www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đông Du-từ một bức thư của du học sinh gửi về gia đình

Sự kiểm soát của mật thám Pháp đối với du học sinh Đông du ở Nhật Bản cũng như đối với gia đình của họ ở trong nước hết sức chặt chẽ. Cả sau khi thực dân Pháp âm mưu với chính quyền Nhật đã giải tán xong du học sinh tại Nhật (cuối 1908), hệ thống kiểm soát này vẫn còn rất sít sao.

Bức thư của ông Lê Quý Liên - một du học sinh từ Đông Kinh gửi về gia đình ở làng Thanh Lâm, tổng Phước Lợi, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Thọ, Tiên Phước) đã bị Nha Mật thám Đông Pháp phát hiện và thu giữ. Bức thư với lối viết “mã hóa” này cùng lời giải mã của Sở Mật thám Trung kỳ cho thấy vấn đề (*)…

Bản sao chép thư ông Lê Quý Liên của ông Trần Ngọc Chương.
Bản sao chép thư ông Lê Quý Liên của ông Trần Ngọc Chương.

Bức thư mã hóa

Đông Kinh, ngày 1 tháng 3 năm 1909

Kính gửi ông Hoàng Đình Diên, tức Bá Ba

Gần bốn độ thu sang, tôi đã bôn tẩu tìm cách đi buôn nên quá lâu ngày ông quên tôi chăng, vậy tôi nhắc lại việc tôi và ông đi buôn thuốc nam để mua bán với nhau thì ông nhớ ngay. Tôi thường vào Hố Dến đào bạch mao căn, sang Quế Phương đào bạch chỉ, ra Bình Xuân đào hương phụ, hoàng liên đem bán cho ông; còn ông lại lên Cửa Khổng hái sơn tra, đến Giếng Nước hái đỗ trọng, và lột quế làm quế chi để bán cho tôi. Việc mua bán giữa ông và tôi quả là lý thú.

Từ tháng 2 năm Kỷ Dậu (1909 - NV) bọn chúng tôi buôn bán ở đất Phù Tang thua lỗ quá trời vì thiếu vốn liếng nên không cạnh tranh nổi với hàng hóa Nhật Bản, một số đông chúng tôi bị phá sản, như tôi thì nấn ná vào làm tài phú cho Công ty A. Phuhan Hanhhai ở Đông Kinh kiếm ăn qua ngày; hai ông chủ cũ của tôi là Ổ Bắc, Tráng Sĩ khánh kiệt sạch sành sanh, nhờ mấy ông bạn Tàu cho mượn tiền đi Xiêm, nghe nói nhờ bà con quê quán tài trợ để làm ruộng sinh sống tạm thời; còn ông bạn thân cùng bôn tẩu một lần với tôi là Phụ Khinh đang sống rất chật vật ở Hương Cảng. Thật khó tính trước cảnh ngộ sắp tới của bọn tôi sống nơi đất khách quê người, rồi sẽ diễn ra làm sao, tôi nghĩ việc buôn bán của chúng tôi rồi sẽ qua bỉ cực đến thái lai.

Tôi vừa mới biết tin ở ta đang trải qua dịch thổ tả có nhiều người chết, số sống sót đang nằm nhà thương, tôi không biết rõ họ hàng thân thuộc ông và những người hay lui tới mua thuốc Nam, có ai bị dịch tể cướp mạng sống không, nếu ông vui lòng biên thơ cho tôi thì hay biết chừng nào. Khi tôi tẩu thoát tìm kế sinh nhai, cô Lưỡng Song có tặng tôi vài chục đồng, tôi nhờ ông nói giùm với cô ấy tôi xin cảm tạ, đồng thời cũng xin gởi lời thăm bà Trưởng Làng ở phía trong đèo Cà Mân.

Chữ ít tình nhiều của người buôn thuốc nam cũ với ông, cầu cho: Sáng danh Thiên chúa trên trời/ Để cho dương thế người người bằng an.

Một người bạn cũ

                                                       Kính thư
                                                         Hải Sâm Uy

Lời giải mã của Sở Mật thám Trung kỳ

Văn thư giải mã bức thư trên chính là phúc trình của Chánh mật thám Trung kỳ Léon Sogny tại Huế đề ngày 15.5.1909 gửi Chánh Giám đốc Nha Mật thám Đông Pháp theo yêu cầu của cơ quan mật vụ tối cao tại Đông Dương này. Như vậy chỉ trong 2 tuần, từ lúc bức thư được gửi đi, cơ quan mật vụ tối cao tại Đông Dương của người Pháp đã có được lời giải mã qua điều tra của cơ quan mật thám cấp dưới. Bức thư đã bị chặn giữ ngay sau khi gửi không lâu. Việc điều tra, giải mã bức thư, như mật thám Leson Sogny viết trong phúc đáp thượng cấp, là từ sự cộng tác của quan lại địa phương: “Tôi đã phái hai chỉ điểm người Việt đến thẩm tra tại chỗ, hai viên chỉ điểm này được viên Tri phủ Tam Kỳ cộng tác chặt chẽ và một tên phó tổng cộng sự đắc lực”.

Bản sao chép Bản báo cáo của Sở Mật thám Trung kỳ về lá thư của ông Lê Quý Liên ccả ông Trần Ngọc Chương.
Bản sao chép bản báo cáo của Sở Mật thám Trung kỳ về lá thư ông Lê Quý Liên của ông Trần Ngọc Chương.

Các chi tiết “mã hóa” của bức thư đã được Léon Sogny tường trình thượng cấp :

- Người gửi thư không ai khác là Lê Quý Liên, tức Kim Tổ, con trai của cựu Tri phủ Lê Vĩnh Khanh (đã chết) ở làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Hắn được tên phản quốc Phan Bội Châu dẫn sang Nhật Bản hồi tháng 8.1945, vào học Đồng Văn Thư Viện Đông Kinh. Gần đây người ta được biết hắn đổi tên Dương Tấn Đạt, tự Sâm Uy, hắn thêm chữ Hải, cho nên Sâm Uy hay Hải Sâm Uy chỉ là bí danh của hắn.

- Chữ đi buôn hay buôn bán mà hắn viết trong thư là ám hiệu liên lạc của những tên phiến loạn, mà tôi đã tường trình lên ngài. Mở đầu bức thư hắn viết tên cỏ cây làm thuốc như: bạch mao căn là rễ tranh, hương phụ là cỏ cú, bạch chỉ là cỏ chỉ thiên để ám chỉ hắn là rể Hoàng Đình Diên. Kế đó sơn tra là trái buồn quân rừng, đỗ trọng là bầy nhầy, quế chi là cành cây quế để ám chỉ Hoàng Đình Diên là ông gia nó.

- Lê Quý Liên tiết lộ bọn phản quốc bị thất bại. Hắn viết: “Từ tháng hai năm Kỷ Dậu đến nay, bọn chúng tôi buôn bán… thua lỗ quá trời vì thiếu vốn liếng nên không cạnh tranh nổi với hàng hóa Nhật Bản, số đông chúng tôi bị phá sản…”. Đoạn này hắn chính thức báo cho đồng bọn là Chính phủ Hoàng gia Nhật Bản hiệp thương với Chính phủ Bảo hộ Đông Pháp nên Chính phủ Nhật ban hành Nghị định đuổi cổ những tên phản quốc người Việt ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản.

- Hắn khôn khéo dùng cách nói lóng nói lái mà địa phương hắn người ta thường dùng giao tiếp với nhau, để mật báo một số tên cầm đầu bọn phản quốc người Việt ở Nhật vừa mới bị tống cổ. Chẳng hạn như Ổ Bắc nói ngược thành Sào Nam, tức tên bội quốc Phan Bội Châu, Tráng Sĩ không ai khác là Cường Để; cả hai tên này từ Nhật chạy trốn tại Xiêm. Còn tên thứ ba mà hắn viết là Phụ Khinh là đảo ngữ của Tử Kính - Đặng Tử Kính, tự Sơn Hải ở làng Hải Côn, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Hắn viết tên này lang thang ở Hồng Kông, nhưng kỳ thực tên này cũng chạy sang cư trú ở Xiêm rồi.

- Còn tên cô Lưỡng Song có nghĩa hai đôi, cọng lại là bốn, địa phương thường gọi tư (anh Tư, chị Tư) tức con gái thứ tư Hoàng Đình Diên là Hoàng Thị Tòng vợ của hắn chứ không ai khác.

- Đoạn viết: “Tôi vừa mới biết tin ở ta đang trải qua đợt dịch thổ tả, có nhiều người chết, số sống sót đang nằm nhà thương…”. Hắn ám chỉ Chính phủ Bảo hộ và Phủ phụ chính Nam triều đã trừng trị những tên phiến loạn chống Chính phủ hồi năm 1908. Chết dịch mà hắn viết là những tên bị chặt đầu, Vào nằm nhà thương hắn muốn ám chỉ bọn chúng bị tống giam vào nhà tù. Rõ ràng tên Liên có mưu đồ móc nối với đồng bọn trong nước đã lọt lưới hoặc mãn tù. Vì vậy tôi thỉnh cầu Ngài có biện pháp cứng rắn, chặn đứng bọn phản quốc trong nước và ngoại vi liên lạc với nhau.

- Địa danh viết trong thư đều đúng nhưng chẳng ăn nhập gì đến hoạt động của bọn phản quốc…

(Chánh chủ sự Sở Mật thám Trung kỳ - Léon Sogny)

Mộ giả của ông Lê Quý Liên tại làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước.
Mộ giả của ông Lê Quý Liên tại làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước. Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ

Về du học sinh Lê Quý Liên, sau lá thư gửi về bị chặn giữ này, gia đình không còn tin tức gì về ông, gia đình lại luôn bị chính quyền thực dân theo dõi, làm khó dễ. Sau một thời gian gia đình đã làm mộ giả, nói là ông đã chết vì kiệt sức để tránh dò xét của chính quyền. Vợ ông là bà Hoàng Thị Tòng cùng hai con nhỏ cũng đã chết sau đó, mộ phần 3 mẹ con hiện còn.

________________

(*) Lá thư của ông Lê Quý Liên và bản báo cáo của Sở Mật thám Trung Kỳ đều do ông Trần Ngọc Chương (quê Tiên Phước), cán bộ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sao y nguyên văn ở Sở Lưu chiểu Trung ương, cũng ở khu vực Thư viện Quốc gia. Bản báo cáo sao y nguyên bản chữ Pháp, Hoàng Ngọc Phách dịch xong ngày 15.9.1958 tại Hà Nội; Lê Thước đọc lại sữa chữa đôi chữ ngày 27.9.1958. Cả hai đều là sưu tập tài liệu của Trần Ngọc Chương mang các ký hiệu 347 và 347A. Tôi (Huỳnh Văn Mỹ) được ông Trần Ngọc Chương tặng cho hai bản sưu tập này hồi năm 1996. Ông Chương đã qua đời cách nay đã lâu.

                                              Huỳnh Văn Mỹ - Báo Quảng Nam