www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đón tết ở vùng sạt lở

 Tết về, những hộ dân nằm trong vùng sạt lở khu vực thôn 1 (xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước) nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhưng vẫn còn đó nỗi lo sạt lở mỗi khi mưa lớn.

      Cây cầu treo bắc qua sông Tum (thôn 1, xã Tiên Lãnh) trong những đợt bão lũ năm 2013 bị nước cuốn làm hư hỏng. Huyện Tiên Phước đã kịp thời sửa lại cầu, giúp 90 hộ dân với hơn 360 nhân khẩu ở 3 tổ của thôn 1 và toàn bộ thôn 11 của xã Tiên Lãnh có thể đi ra bên ngoài khi nước lớn.

      Ông Võ Hồng Nhiệm - Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh cho biết: “Cây cầu treo này được làm từ năm 2006, nhưng năm nào có lũ lớn nước cũng vượt cầu nên hay bị hỏng ván, tụt cáp, liên tục phải tu sửa. Hiện nay, phần đất sạt lở hai bên bờ sông đã ăn sâu vào mố cầu, từng mảng bê tông, đá kè hai chân mố cầu bị nước cuốn trôi, khiến cây cầu không còn được vững chãi mỗi khi có mưa bão lớn. Vào mùa mưa, xe tải không thể vào trong thôn 1 và thôn 11 để vận chuyển gỗ keo ra ngoài được do không có đường đi. Cầu treo chỉ dành cho người đi bộ và xe đạp, xe máy”. Những hộ dân sống ở thôn 1 và thôn 11 xã Tiên Lãnh đều có chung mong muốn sẽ có được cây cầy bê tông vững chắc, giúp họ không còn nỗi lo lắng bị cô lập mỗi khi mùa mưa bão đến.

 

Cây cầu treo bắc qua sông Tum là con đường duy nhất giúp hơn 360 nhân khẩu của thôn 1 và 11, xã Tiên Lãnh ra ngoài để tránh vào mùa mưa lũ.                                                                                                                                                      Ảnh: D.LỆ
Cây cầu treo bắc qua sông Tum là con đường duy nhất giúp hơn 360 nhân khẩu của thôn 1 và 11, xã Tiên Lãnh ra ngoài để tránh vào mùa mưa lũ. 

 

        Người dân sống hai bên bờ sông gần cây cầu treo luôn phập phồng nỗi lo mỗi khi có mưa lũ. Bà Dương Thị Ly Dung (thôn 1, xã Tiên Lãnh) nói: “Tết nhứt đến nơi rồi mà nhà cửa bị đe dọa sạt lở, ăn tết làm sao vui được. Trong đợt lũ lớn tháng 11.2013, nhà tui bị nước ngập nóc nhà, nước rút thì thấy nhà sạt xuống sông, đất lở ăn sâu vô nhà hơn 3m. Vừa rồi xã, huyện đến thăm, hỗ trợ tiền khắc phục nhưng biết khắc phục thế nào cho được. Nhà tôi chỉ có chút đất chỗ này đây, sông mà ăn sâu vô nữa thì hết chỗ ở”. Nhà bà Dung cùng với nhà ông Nguyễn  Văn Tiến ở cạnh bị sạt lở nặng nhất, hai căn nhà này nằm chênh vênh trên một bờ đất đang sạt dần xuống sông, chưa được kè lại kể từ sau đợt lũ tháng 11.2013. Gần 70 hộ dân khác sống hai bên bờ sông Tum, trong vùng bị sạt lở chỉ mong bờ sông được kè lại, hoặc người dân được chuyển đến sống ở vùng an toàn hơn.

        Ông Nhiệm cho hay, trước hết, để an dân lãnh đạo UBND huyện Tiên Phước cùng với chính quyền xã Tiên Lãnh liên tục có những đợt đến thăm, động viên bà con sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, hỗ trợ thêm kinh phí cho bà con sửa chữa nhà cửa, và tặng quà tết để bà con ăn tết được đầy đủ hơn.

     Về lâu dài, ông Nhiệm kiến nghị: “Người dân cũng như chính quyền địa phương mong muốn có được một cây cầu bê tông vững chãi, hai bên bờ sông sẽ có được bờ kè giúp bảo vệ đất không bị sạt lở thêm. Còn những hộ dân sống trong vùng sạt lở nặng thì được di dời đến một khu tái định cư mới, giúp người dân an cư thì mới lạc nghiệp được. Nhưng tất cả đều chỉ là mong muốn bởi thiếu kinh phí, trong điều kiện hiện nay huyện, thậm chí tỉnh có lẽ không đảm đương nổi, chỉ có Trung ương quan tâm thì may chăng mới có được cây cầu và khu tái định cư”.

      Đây là mong muốn rất bức thiết của 159 hộ dân ở thôn 1 và thôn 11 xã Tiên Lãnh. Khi có cây cầu, có bờ kè, có khu tái định cư, trẻ em đi học vào mùa mưa không phải lo lắng nước lớn, người dân làm ăn không lo con đường vận chuyển hàng hóa. Và trên hết, những hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở nặng không còn phải sống trong nỗi lo phập phồng mỗi khi mùa mưa bão đến.

                                                                         Diễm Lệ - Báo Quảng Nam