www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đào tạo cán bộ ở Tiên Phước

Để khắc phục hạn chế trong công tác cán bộ, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, thực thi nhiệm vụ, trình độ lý luận chính trị, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống... Huyện ủy Tiên Phước tập trung thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo kiểu cầm tay chỉ việc.

Từ đi học tập kinh nghiệm...

Sau 5 năm phát động phong trào toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Tiên Mỹ đã thực hiện hoàn thành 11/19 tiêu chí và theo lộ trình vào năm 2020 phấn đấu trở thành xã NTM gắn với xây dựng khu dân cư mới kiểu mẫu. Ông Võ Kim Chung - Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ chia sẻ, nhằm trang bị thêm kinh nghiệm về xây dựng NTM, cuối năm 2017, ông tham gia cùng một số cán bộ lãnh đạo huyện và 15 xã/thị trấn đi tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu tại thôn Nam Trà (xã Hương Trà, Hương Khê, Hà Tĩnh). Sau chuyến đi này, ông hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của chủ trương xây dựng NTM, rút ra được những bài học kinh nghiệm hay trong cách làm, nhất là bài học về tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM.

Theo lời ông Chung, việc tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm như vừa kể ở trên nằm trong Đề án về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ huyện Tiên Phước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 03). “Qua học tập kinh nghiệm tại thôn Nam Trà, chúng tôi càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của công tác vận động nhân dân, giải thích rõ cho dân hiểu về chủ trương, tổ chức lấy ý kiến người dân về cách làm. Rồi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc thực hiện để người dân tin và cùng chung tay vào nhiệm vụ xây dựng NTM.

Các giáo viên quản lý huyện Tiên Phước vừa tham gia lớp bồi dưỡng về chủ nghĩa yêu nước do Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Phòng GD- ĐT huyện tổ chức.Ảnh: H.G
Các giáo viên quản lý huyện Tiên Phước vừa tham gia lớp bồi dưỡng về chủ nghĩa yêu nước do Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Phòng GD- ĐT huyện tổ chức.Ảnh: H.G

Từ nhận thức và cách làm như vậy, đầu năm 2018 đến nay, đã có luồng sinh khí mới trong phong trào xây dựng NTM tại địa phương khi hàng loạt công việc được tập trung thực hiện, với khí thế khẩn trương như hiến đất mở đường giao thông nông thôn, xử lý vệ sinh môi trường, thắp sáng đường quê, chọn địa bàn thôn xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu... Ngoài ra, trong giai đoạn 2017 - 2020, xã Tiên Mỹ được tỉnh phê duyệt quyết định hỗ trợ nguồn lực xây dựng NTM. Đây chính là các điều kiện thuận lợi để Tiên Mỹ phấn đấu thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM vào năm 2020” - ông Chung bày tỏ.

Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương theo Đề án 03, mới đây Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Phước phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện tổ chức lớp bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước cho các thầy giáo hiệu trưởng, hiệu phó và chủ tịch công đoàn các trường trên địa bàn. Tham gia lớp bồi dưỡng, thầy giáo Lê Thiên Vũ - Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu chia sẻ: “Mỗi dịp hè, các thầy cô giáo đều tham gia lớp bồi dưỡng chuyên môn, chính trị hè. Nhưng có dịp tham gia lớp bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước do đồng chí Bí thư Huyện ủy trực tiếp truyền đạt, tôi thấy rất bổ ích, khi nội dung rất hay, thiết thực, giúp định hướng về nhận thức, góp phần bồi đắp thêm niềm tin trong giáo viên, để không sa vào “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”” - thầy Lê Thiên Vũ nói.

...đến cầm tay chỉ việc

Đề án 03 được Huyện ủy Tiên Phước ban hành vào ngày 4.4.2017 nhằm cụ thể hóa việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (khóa XXI) về công tác cán bộ; nhất là tạo sự chuyển biến nhanh về hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng cán bộ trong hệ thống chính trị trên địa bàn huyện. Là thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 03, ông Phan Văn Sĩ - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Tiên Phước cho biết, để thực hiện Đề án 03 được hiệu quả, hàng năm Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước đều chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể. Năm nay, huyện Tiên Phước xác định là năm tập trung cho việc bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, Mặt trận, đoàn thể, chính quyền ở cơ sở. Với nhiệm vụ được phân công, ngoài mở 33 lớp theo chuyên môn, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện phối hợp với các đơn vị liên quan của huyện tổ chức 2 lớp bồi dưỡng cho bí thư chi bộ thôn, khối phố; 2 lớp bồi dưỡng về công tác xây dựng Đảng cho cấp ủy xã, thị trấn; 2 lớp bồi dưỡng cho lực lượng công an thôn, khối phố, xã, thị trấn và 2 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ thôn, khối phố. “Yêu cầu đặt ra đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo Đề án 03 của Huyện ủy Tiên Phước là tập trung vào các vấn đề thực tiễn địa phương đang đặt ra. Chú trọng nêu ra hiện tượng thực tiễn, trao đổi về hướng giải quyết vấn đề theo kiểu cầm tay chỉ việc nhằm củng cố kiến thức, trang bị kỹ năng cho người cán bộ cơ sở” - ông Sĩ nói.    

Theo ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước, rút kinh nghiệm trong năm đầu triển khai, năm nay, việc xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của huyện được bài bản hơn. Theo đó, từ đầu năm đến nay số lớp được mở đã bằng cả năm 2017. Tùy vào nội dung mà mỗi lớp thu hút 50 - 100 người tham gia, diễn ra trong thời gian ngắn một buổi hoặc một ngày và thực hiện theo kiểu cầm tay chỉ việc. Hàng năm, huyện trích 1% (khoảng 1,5 tỷ đồng) ngân sách địa phương để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo Đề án 03. Việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng dựa trên nhu cầu thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 03 tiếp nhận, khảo sát nhu cầu tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước quyết định việc mở lớp gì, thời gian nào, nội dung ra sao, ai được chọn đứng lớp.

“Quan điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước là đối với những lớp đào tạo, bồi dưỡng do tỉnh mở nhưng huyện nhận thấy chưa đạt yêu cầu thì tổ chức tập huấn lại theo kiểu cầm tay chỉ việc. Còn những lớp mà tỉnh chưa mở nhưng huyện thấy cần thiết đối với cán bộ Tiên Phước thì ưu tiên tổ chức. Ví dụ như mở các lớp bồi dưỡng về công tác xây dựng Đảng cho cấp ủy xã, thị trấn, cấp ủy của các chi bộ cơ quan; lớp bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước cho giáo viên quản lý các trường; các lớp học tập, nghiên cứu kinh nghiệm về mô hình hợp tác xã, xây dựng NTM ở các huyện, tỉnh bạn; hay ở những lĩnh vực nhạy cảm như tư pháp, địa chính, khiếu nại tố cáo... Qua đánh giá bước đầu cho thấy Đề án 03 đã đáp ứng được yêu cầu khi năng lực của người cán bộ thôn, xã, kể cả cán bộ huyện được nâng lên rõ rệt sau khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do huyện tổ chức”  - ông Đốc khẳng định.

                                                       Hàn Giang - Báo Quảng Nam