www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Da diết nhớ…

Đã 3 năm xa quê đi học đại học, ấy thế mà ít khi nào tôi về quê dù rằng đi chỉ trong vòng 3 tiếng. Có lẽ một phần là do lịch học quá kín và một phần cũng do về cũng chẳng biết làm gì, với ai. À mà thôi, nói vậy chứ dù hoàn cảnh có như thế nào thì tình cảm đối với quê hương trong tôi vẫn cứ bùng cháy từng ngày.

 Tôi vẫn thường hay bắt mấy đứa bạn trong phòng trọ nghe mấy bài nhạc về Tiên Phước, về Quảng Nam, nghe đến nỗi nó quê đâu xa lắc cũng thuộc bài hát quê tôi. Mà ca sĩ hát thôi thì còn đỡ, nhiều lúc cao hứng chúng nó còn bị tôi “đày đọa” bởi giọng ca “thánh thót”. Đó là khi tôi thật sự nhớ nhà, nhớ quê, nhớ mùi lúa chín và mùi món mít hông quen thuộc.  

Nhắc đến Tiên Phước, có lẽ mọi người sẽ nghĩ ngay đến dòng sông nổi tiếng chảy ngược, nghĩ đến những vườn tiêu, vườn quế, vườn bòn bon thơm ngọt. Tiên Phước tôi luôn nổi tiếng với những thứ đặc sản ấy, vùng đất trung du nắng gió đã những hương vị đến với mọi người gần xa. Và hơn hết nơi đây còn là nơi sản sinh ra biết bao người hùng nhân kiệt như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh…

Nhưng có những thứ sẽ gọi là xa lạ với mọi người nhưng đối với tôi đó là những hương vị hạnh phúc nhất, chân quê nhất mà tôi từng có. Mùa mưa này mà được ngồi làm rồi thưởng thức nồi mít hông thì còn gì bằng nhỉ?

Mùa mít ra quả thường giữa mùa xuân và chín vào cuối mùa hè, mít ở quê tôi thì nhiều vô số kể: trong vườn, ngoài sân, ngoài ngõ, trên rẫy…,hầu như ở đâu có người ở là ở đó có mít. Cũng chẳng biết vì sao mà dân tôi và những tán lá mít cứ quấn lấy nhau, có lẽ nhưng trái mít gai góc thơm nồng kia đã một thời giúp dân tôi qua những cơn đói dài hành hạ, giúp những ngôi nhà trở nên chắc chắn hơn…

Cây mít được trồng từ những hạt già đã lên mụt, lớn lên dân tôi lại hay ăn quả mít từ khi còn non, còn xanh cho đến khi trái chín vàng sực nức mùi thơm. Quả mít có thể làm được nhiều món: trộn gỏi, nấu canh ốc, xào, ăn sống, hấp cơm, mít phơi khô…nhiều vô số kể, nhưng tuyệt vời nhất và lạ nhất vẫn là món mít hông. Không những múi mít ăn được đâu nhé, xơ mít còn có thể xào, muối chua, nấu canh.., hạt mít thì luộc, nướng, phơi khô, nấu cho lợn…,vỏ mít thì cho bò nhâm nhi, còn bọn trẻ chúng tôi khi ấy lại cực khuấy món cùi mít chấm muối ớt, nghe vị chát chát nồng nồng mà ngon đáo để.

Chữ hông ở đây có nghĩa là hấp, dân quê tôi thường chọn những quả mít ướt còn xanh (có loại mít ướt và mít ráo) vì múi của nó to và khi hấp chín sẽ có vị dai. Quả hái vào đừng để rơi trúng đá chứ không sẽ bị dập làm mất hương vị, dùng dao sắt gọt sạch vỏ xung quanh và bắt đầu tách múi ra, dùng dao rạch một đường thẳng để tách hạt phía trong. Phần hạt sau khi được tách ra sẽ được rửa sạch, luộc cho chín rồi bóc vỏ và được giã nhuyễn với đậu xanh bóc vỏ, thêm chút gia vị, xào lên cho thấm rồi lại chia thành từng phần nhỏ và bỏ vào múi mít. Có lẽ công đoạn mệt nhất đã xong, giờ chỉ cần hấp lên và chờ cho mít chín, khi ăn có thể kèm theo ít dừa nạo và đậu phộng giã nhỏ. Vẫn thích nhất cảm giác ngồi canh bếp lửa giống như ngồi canh bánh tét ngày tết, rồi lại háo hức chờ được thử mẫu mít đầu tiên, mùi thơm xông lên nghe ngào ngạc nứt mũi.

Giờ thì thành phố cũng có món ăn mít hông trong menu nhưng sao nghe vị nó thật khác, chẳng thơm mùi mít vừa chín tới, chẳng nghe được vị ngòn ngọt trong từng miếng ăn. Có lẽ hương vị ở quê nó khác, nó mộc mạc hơn, nó ấm áp hơn…

Tiên Phước vẫn luôn thay đổi từng ngày, vẫn không ngừng phát triển để bắt kịp với thời đại, rồi có còn ai được nếm cảm giác được tự tay làm những mẻ mít hông, được ngồi ăn món mít trừ cơm mà vẫn thấy thật hạnh phúc? Tôi vẫn nhớ quê lắm, vẫn luôn nhắc về quê hương trong từng kỉ niệm, trong từng bài hát quen thuộc và trong cả những đĩa mít tôi rủ rê lũ bạn đi ăn để vơi bớt cảm giác nhớ nhung, bớt đi những cảm xúc không đầu, không cuối. Nhớ quê… 

                                                               Tuyết Phương - Tiên Châu