www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đổi thay Tiên Thọ

Tròn 65 năm sau cuộc đấu tranh Cây Cốc bi hùng, cán bộ nhân dân xã Tiên Thọ (Tiên Phước) phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và chung tay xây dựng quê hương ngày càng thay da, đổi thịt.

Thị tứ vùng đông

Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, tiếp nối truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng của cha anh, cán bộ và nhân dân Tiên Thọ đã ra sức phá gỡ bom, mìn, khai hoang, phục hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Với lợi thế là địa bàn cửa ngõ của huyện giáp ranh với huyện Phú Ninh, có tuyến quốc lộ 40B nối từ tỉnh lỵ Quảng Nam đi Tây Nguyên chạy ngang qua, Tiên Thọ đã được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông thông suốt. 100% trục xã, liên xã được nhựa hóa, gần 90% trục đường thôn và 87% đường ngõ xóm đã được bê tông hóa, cứng hóa tạo điều kiện đi lại thuận tiện; hơn 99% số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Chợ Tiên Thọ với diện tích 22 nghìn mét vuông với đầy đủ hạng mục của một chợ nông thôn đáp ứng tốt nhu cầu giao thương hàng hóa, mua sắm không chỉ của nhân dân Tiên Thọ mà còn trở thành vùng trọng điểm về thương mại dịch vụ của các xã vùng đông của huyện.

Một góc thị tứ Tiên Thọ hôm nay. Ảnh: HOÀNG HƯNG
Một góc thị tứ Tiên Thọ hôm nay. Ảnh: HOÀNG HƯNG

Ông Phạm Bá Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ, cho biết: “Để phát huy lợi thế về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, xã tranh thủ các cơ chế chính sách của nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích nhân dân tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ trên nhiều lĩnh vực tạo thu nhập ngày càng cao cho hộ gia đình, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương mỗi năm”. Hiện toàn xã có hàng trăm mô hình rừng trồng, vườn cây ăn quả, cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn; 434 cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Tổng giá trị từ tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đạt hơn 320 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm hơn 20%. Cùng với kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có những chuyển biến đáng mừng.

Ông Thái Việt Anh, cán bộ hưu trí ở thôn 3, xã Tiên Thọ chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi vì trải qua gần 45 năm sau ngày giải phóng, cán bộ, nhân dân xã vượt qua khó khăn xây dựng đời sống phát triển mạnh mẽ, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, cơ quan, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, giao thông đi lại thuận lợi”.

Nỗ lực về đích nông thôn mới

Năm 1954, khi hiệp định Giơnevơ được ký kết nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn ngang ngược vi phạm trắng trợn hiệp định, bằng cách truy lùng, bắt bớ, tra tấn thủ tiêu nhiều cán bộ, đảng viên ưu tú của cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sáng 29.9.1954 đồng bào, cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Tiên Phước sôi sục khí thế tiến về chợ Cây Cốc, xã Tiên Thọ để đấu tranh trực diện với quân thù đòi thi hành hiệp định Giơnevơ. Không những không thực hiện theo yêu sách chính đáng của nhân dân mà quân địch đã huy động hàng trăm binh lính dùng xe tăng, lựu đạn… thẳng tay xả súng làm hơn 330 đồng bào, đồng chí của ta hy sinh. Cuộc đấu tranh Cây Cốc đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh với quân thù tại địa phương và lan rộng trên toàn miền Nam.

Những ngày này, nhân dân thôn 1, xã Tiên Thọ ra quân tổng vệ sinh môi trường, chỉnh trang hệ thống điện sau công tơ và lắp đặt công trình “Thắp sáng đường quê” với tổng chiều dài hơn 2km để hoàn thành tiêu chí cuối cùng về điện, chuẩn bị cho việc làm hồ sơ đề nghị công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu vào cuối năm nay.

Được biết, thông qua vận động của chính quyền bà con đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất và tài sản trên đất, đóng góp hơn 160 triệu đồng để xây dựng mặt bằng khu sinh hoạt văn hóa thôn và mở rộng mặt bằng xây dựng hơn 2km đường bê tông. Cùng với đó, bà con cũng tích cực tham gia câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp”, tổ chức chất bờ đá, trồng các loại cây ăn quả đặc sản của địa phương vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa tạo cảnh quang xanh, sạch đẹp.

Ông Huỳnh Long Nhân - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 1, cho biết: “Xác định ba tiêu chí khó nhất của khu dân cư NTM kiểu mẫu là đường giao thông, vườn xanh sạch đẹp và điện nên chúng tôi tập trung tuyên truyền vận động để thực hiện cho được ba tiêu chí này. Rất may là bà con cũng đã nhận thức tích cực hưởng ứng nên mọi việc diễn ra khá thuận lợi”.

Ông Phạm Bá Hùng cho biết thêm: “Không riêng thôn 1, ở các thôn còn lại nhân dân cũng tích cực chung tay với xã trong xây dựng NTM  thông qua các hoạt động đào hố rác tại gia, chỉnh trang vườn mẫu, hiến đất đai, cây cối thực hiện giải phóng mặt bằng trên 11 tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi của cộng đồng... với tổng giá trị hơn 2,7 tỷ đồng. Đặc biệt nhân dân chăm lo phát triển kinh tế gia đình xây dựng cuộc sống ngày càng phát triển. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của xã đạt hơn 36 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 24 triệu đồng so với năm 2010). Đến nay, xã đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM. Hiện địa phương đã khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ phục vụ các cấp kiểm tra công nhận xã NTM vào cuối năm nay”.

                                Phạm Hoàng - Nguyễn Hưng, Báo Quảng Nam