www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đề án mỗi xã một sản phẩm ở Tiên Phước: Gắn với thế mạnh địa phương

Dựa trên thế mạnh sẵn có ở địa phương, huyện Tiên Phước thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong năm 2018 với 3 sản phẩm tiêu biểu là tiêu, trầm hương, rượu.

 Chọn sản phẩm điểm 

Theo Ban chỉ đạo thực hiện Đề án OCOP, Tiên Phước sẽ tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có tiềm năng, thế mạnh theo hướng gia tăng giá trị, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, Trưởng ban Điều hành chương trình OCOP cho biết, qua khảo sát, hiện nay trên địa bàn huyện có 32 sản phẩm truyền thống, đặc trưng có thể phát triển thành sản phẩm OCOP.

Trong đó, có một số sản phẩm như tiêu, trầm hương, rượu (lòn bon, chuối hột, nấm lim) đã cơ bản đáp ứng được một số tiêu chí của sản phẩm OCOP (sản phẩm tiền OCOP) nên được chọn là sản phẩm điểm. Các tiêu chí để sản phẩm trên được chọn là đã được các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất ổn định bằng nguyên liệu của địa phương; Có bao bì, nhãn mác, kiểu dáng sản phẩm phù hợp và thị trường tiêu thụ khá ổn định. Việc chọn các sản phẩm có ưu thế vượt trội hơn để tập trung phát triển thành sản phẩm OCOP trong năm 2018 sẽ giúp Tiên Phước đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sản phẩm OCOP, giảm chi phí, tạo tiền đề để phát triển các sản phẩm khác đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP trong những năm tiếp theo.

Tiêu Tiên Phước được chọn là sản phẩm OCOP vì đã có vùng nguyên liệu và thành sản phẩm hàng hóa. Ảnh: D.L
Tiêu Tiên Phước được chọn là sản phẩm OCOP vì đã có vùng nguyên liệu và thành sản phẩm hàng hóa. Ảnh: D.L

Đối với 3 sản phẩm tiêu, trầm hương, lòn bon Tiên Phước được chọn đều đã có đăng ký công bố chất lượng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Thị trường tiêu thụ của các sản phẩm này hiện nay đã rộng khắp trong và ngoài tỉnh. Và khi nhắc đến các sản phẩm này, người tiêu dùng đã biết đến nhiều nên tạo thuận lợi trong việc phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm và tạo thành chuỗi giá trị hàng hóa được sản xuất trong thời gian đến. Các sản phẩm trên đều đã được một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất thành hàng hóa.

Như tiêu Tiên Phước đã được Công ty TNHH Sơn Tiến, HTX Dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Nhật Linh phát triển thành sản phẩm tiêu nguyên hạt đóng lọ nhựa, đóng gói ni lông hút chân không trong lọ tre, đóng hộp. Lòn bon Tiên Châu, nấm lim Tiên Phước được chế biến thành sản phẩm rượu bởi HTX Nhật Linh, trầm hương Tiên Phước được người tiêu dùng biết đến với các sản phẩm như hương nụ, hương thẻ, vòng trầm đeo tay, tinh dầu trầm bởi các công ty TNHH trầm hương Lương Hậu, Hùng Duyên, Hoàng Trưởng, Xứ Tiên.

Người dân là chủ thể

Theo ông Phùng Văn Huy, trong việc thực hiện chương trình OCOP thì Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý, các chính sách để thực hiện, định hướng quy hoạch, quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Vì vậy khi UBND tỉnh có chủ trương thực hiện chương trình này, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020; thành lập Ban điều hành và tổ giúp việc chương trình OCOP, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tham gia, phụ trách từng nội dung, lĩnh vực, tiêu chí để đánh giá xếp hạng sản phẩm.

Trong đó, Phòng Kinh tế hạ tầng được phân công tham mưu chính cho Ban điều hành về việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đó, dựa trên các sản phẩm của mỗi nơi. Ông Huy thông tin: “Một điều mà huyện lưu ý đối với các xã, thị trấn là khi thực hiện chương trình OCOP phải phát huy tối đa vai trò chủ thể, tính chủ động, sáng tạo của người dân”.

Trên địa bàn huyện Tiên Phước có khá nhiều sản phẩm tại chỗ có thể phát triển thành sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, việc sản xuất mang tính nhỏ lẻ, chưa tập trung, sản xuất theo tính kinh nghiệm chứ chưa qua đào tạo theo tiêu chuẩn của sản phẩm, chưa thành hàng hóa. Vì thế, định hướng của Tiên Phước là phát triển các sản phẩm OCOP phải gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, nhằm đảm bảo tính bền vững, liên tục. Chính vì vậy, Tiên Phước đã quy hoạch những vùng sản xuất tập trung trong khi thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế vườn - rừng, kinh tế trang trại của huyện.  Hiện nay trên địa bàn huyện đã có những vùng nguyên liệu ổn định như vùng thanh trà Tiên Hiệp, lòn bonTiên Châu, Tiên Mỹ, Tiên Cảnh; tiêu ở Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Mỹ; chuối nai ở Tiên Ngọc...

Trong thời gian đến, khi triển khai Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng, phương án phát triển sản xuất sẽ được triển khai theo hướng liên kết chuỗi giá trị ở các địa phương. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các vùng nguyên liệu phục vụ chương trình OCOP của Tiên Phước. Bên cạnh đó, Tiên Phước sẽ quy hoạch phát triển một số vùng nguyên liệu mới như phát triển cây mè, đậu phụng tại Tiên Cẩm, Tiên Châu phục vụ chế biến dầu mè, dầu phụng; tập trung củng cố và phát triển vùng trồng cây cam giấy tại xã Tiên Hà; phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung tại Tiên Mỹ, thị trấn Tiên Kỳ, vùng trồng nếp cái hương bầu tại Tiên An, vùng chăn nuôi gà ta tại Tiên Lãnh, Tiên Ngọc.

                                                                   Diễm Lệ - Báo Quảng Nam