www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đặc sản xứ Tiên hướng tới OCOP

Sản phẩm rượu nếp có gas Linh Hoạt (thị trấn Tiên Kỳ) và trái cam giấy Tiên Hà, những đặc sản vùng quê Tiên Phước đang trên đà nỗ lực xây dựng thương hiệu, nhãn mác, chất lượng, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng để hướng tới đạt chuẩn OCOP trong giai đoạn 2019 - 2020.

 Rượu nếp có gas Tiên Kỳ

Có mặt trên thị trường từ năm 2009, sản phẩm rượu nếp có gas Linh Hoạt của cơ sở ông Lê Văn Hoạt (thị trấn Tiên Kỳ) được người tiêu dùng địa phương và nhiều nơi ưa chuộng. Loại rượu này được sản xuất theo phương thức truyền thống với các công đoạn nấu xôi nếp, ủ men truyền thống, trộn đều mật ong rừng vào men rồi chưng cất. Rượu sau chưng cất còn được lọc, khử andehit và loại bỏ độc tố. Rượu thành phẩm để ngon hơn cần được bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh, có thể sử dụng trong vòng 3 tháng, kể từ ngày sản xuất.

Cơ sở sản xuất và sản phẩm rượu nếp có gas Linh Hoạt - Tiên Kỳ, đặc sản của thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước. Ảnh: H.LIÊN
Cơ sở sản xuất và sản phẩm rượu nếp có gas Linh Hoạt - Tiên Kỳ, đặc sản của thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước. Ảnh: H.LIÊN

Thức rượu này cho hương vị thơm ngon, cay nhẹ, có hậu ngọt, bổ dưỡng, không gây đau bụng, uống khó say, không đau đầu, nữ giới uống được dễ dàng. Vì lẽ đó, rượu nếp có gas là thứ hương vị, men say lâng lâng, thi vị cho mỗi cuộc vui. Sản phẩm ra thị trường từ năm 2009 và tới nay đã được người dân Tiên Phước đón nhận. Nhiều người tiêu dùng ở Tam Kỳ, Núi Thành và các vùng lân cận biết tiếng cũng chỉ cần nhấc điện thoại, đặt trước 1 tuần là có hàng đến tận nơi. Có nhiều khách còn đặt tới 100 - 200 lít để biếu làm quà, hay sử dụng trong đám cưới, giỗ, tiệc tùng...

Ông Hoạt cho biết, ông đã mất nhiều năm tháng để học hỏi cách làm rượu của người miền Bắc từ thời kỳ quân ngũ, sau về quê tiếp tục mày mò nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nấu rượu. Ban đầu nấu hoàn toàn thủ công, đến nay nhờ sử dụng máy móc, ông đã cải tiến nhiều công đoạn khá hiệu quả, giảm bớt sự nhọc nhằn. Ông đã sắm được nồi nấu xôi bằng điện, hệ thống chưng cất, lọc, khử andehit, hệ thống giữ lạnh, đăng ký nhãn mác, thương hiệu, mã vạch, đăng ký giấy phép kinh doanh...

Mỗi lít rượu nếp có gas ra thị trường có giá 30.000 đồng/lít. Ngày tết, mỗi ngày, ông Hoạt nấu tới 50kg nếp, còn ngày thường chừng 30kg, cho ra chừng 150 lít rượu. “Sản phẩm của tôi có nhãn mác, thương hiệu nên người tiêu dùng ngày càng tin tưởng, ưa chuộng. Tôi đang được huyện hỗ trợ xây dựng hồ sơ, thủ tục để đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh” - ông Hoạt cho hay.

Đặc sản cam giấy Tiên Hà

Cây cam giấy hay còn gọi cam da trơn là loài cây bản địa của xã Tiên Hà. Người già ở Tiên Hà cho biết, từ trước giải phóng đã có sự hiện diện cây cam giấy trong mỗi góc vườn. Quả cam giấy to vừa, tròn trịa, da màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu vàng nhạt. Cam giấy thường cho thu hoạch vào cuối hè đầu thu. Khi chín, trái màu vàng nhạt, vỏ mỏng, nước nhiều ngọt nhẹ có hương vị đặc trưng so với nhiều loại cam trên thị trường.

Có thời kỳ, do sự lấn át của cây keo và sức tiêu thụ kém, cây cam giấy bị thu hẹp diện tích. Năm 2010, từ nguồn vốn nhà nước 50 triệu đồng, địa phương bắt đầu nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen, nhân giống và trồng thí điểm 20 vườn cam giấy ở tổ 9 thôn Tiên Tráng. Năm 2017, xã Tiên Hà quyết định nhân rộng mô hình ra toàn thôn với 75 hộ tham gia, số tiền hỗ trợ 160 triệu đồng. Tiên Tráng là xứ sở của cây cam giấy với diện tích chừng 15ha, 8.000 gốc và có lẽ cây này chỉ sinh trưởng và phát triển tốt, có năng suất cao nhất trên đất Tiên Tráng do phù hợp thổ nhưỡng.

Bà Nguyễn Thị Nhung (thôn Tiên Tráng) cho biết, vườn trồng cây ăn quả của gia đình bà có 3 sào, trồng được 30 cây cam giấy. “Với những cây cam lâu năm được chăm sóc tốt, mỗi mùa có thể thu 1 - 1,5 tạ trái, mỗi gốc cam sai quả cho thu nhập 2 - 3 triệu đồng (giá 20.000 đồng/kg). Nếu được hỗ trợ tốt, trái cam giấy vào được siêu thị, cửa hàng nông sản sạch giá cả sẽ cao và người dân sẽ mặn mà nhân rộng” - bà Nhung nói. Cùng thôn Tiên Tráng, ông Trần Văn Quang chia sẻ, do vườn hẹp nên ông chỉ trồng 5 cây cam giấy; có mùa mỗi cây cho 1,5 tạ trái, thu 2 - 2,5 triệu đồng.

Ông Phan Tấn Dũng - Chủ tịch UBND xã Tiên Hà chia sẻ, tại thôn Tiên Tráng nói riêng và xã Tiên Hà nói chung, có hộ trồng mươi cây trong vườn nhưng cũng có hộ trồng 2 - 6 sào, mùa cam chín, có hộ thu nhập 15 - 30 triệu đồng, có hộ tới 90 triệu đồng. Thôn Tiên Tráng có tới 80% số hộ trồng cam giấy. Xã đang hỗ trợ Hợp tác xã Phước Hà thực hiện chuỗi liên kết, hoàn thiện thủ tục công nhận cây đầu dòng, ghép giống chuẩn cung ứng cho người dân trồng nhân rộng. Hợp tác xã đang đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy rửa, máy hút chân không, từng bước hướng tới bao tiêu sản phẩm cho bà con. Xã cũng hỗ trợ hợp tác xã và người dân hoàn thiện các thủ tục để tham gia chương trình OCOP của tỉnh sắp tới. Việc cam giấy Tiên Hà đạt chuẩn OCOP sẽ góp phần quảng bá thương hiệu trái cây sạch Tiên Hà đến với thị trường rộng rãi và thêm cơ hội mở rộng vùng chuyên canh.

                                                      Hoàng Liên - Báo Quảng Nam