www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đất và người Tiên Phước qua thơ ca các thời kỳ

Tiên Phước là một vùng quê hiền hòa có nhiều thắng cảnh đẹp. Người Tiên Phước cần cù lao động, sống hòa mình với thiên nhiên và có tình yêu quê hương đất nước sâu sắc. Đó chính là nguồn cảm hứng cho những sáng tác thơ ca, hò vè của người Tiên Phước và cả những người đã từng gắn bó với miền quê yêu dấu này.

     Trải qua nhiều thời kỳ, từ khi lập làng mở đất, đến thời kỳ đấu tranh cách mạng bảo vệ quê hương cho đến quá trình xây dựng từ sau ngày giải phóng đến nay, thơ ca trên mảnh đất Tiên Phước vẫn luôn phát triển mang hơi thở nồng nàn của cuộc sống, mang tình yêu thiết tha, làm say đắm lòng người…

        Bắt đầu từ thiên nhiên, từ dòng sông Tiên thơ mộng ca dao Tiên Phước đã thể hiện một vùng quê thanh bình: “Đường lên Tiên Phước quanh quanh/ Có con cò trắng đậu cành thương thương/ Sông Tiên nước chảy đôi đường/ Bậu về nhắn bạn người thương vẫn chờ.” Trên những con đường rợp bóng mát quanh co trong những vườn đồi bát ngát một bên là ruộng đồng, một bên là những bờ đá được chất xếp công phu bao quanh triền đồi thoai thoải rợp bóng lòn bon, tiêu thơm , mít ngọt. Từng bậc, từng bậc, khi dài, khi ngắn; những phiến đá muôn hình, muôn vẻ được bàn tay con người lắp ghép công phu, tạo nên những ngõ đá đẹp mê hồn; mặt trời lên, những tia nắng soi qua kẻ lá trải những vòng tròn như bạc, như vàng lên từng phiến đá bằng phẳng: “Ngõ đá củ rêu phong/Ẩn trong vườn râm mát/ Mặt trời soi ánh sáng/ Trải bạc vàng lung linh(Trần Văn). 

                         

                                   Trung tâm Tiên Phước nhìn từ flycam

        Những bờ đá, ngõ đá được xây nên để giữ đất, để ngăn thú dữ thời hoang sơ, để tạo lối đi sạch đẹp, nhờ sự kỳ công của con người đã trở thành những cảnh quan văn hóa, làm lay động lòng người: “Có duyên lấy đặng chồng nguồn/ Ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui.” Cảnh đẹp nên thơ, trăng soi vằng vặc, mắt biêng biếc nhìn, sau những lần gặp gỡ dưới tán lòn bon, bên gốc sưa già trai gái phải lòng nhau để rồi bộc bạch nổi lòng qua những vần thơ mộc mạc: “Trái lòn bon trong tròn ngoài méo / Trái thầu dầu trong héo ngoài tươi / Em thương anh ít nói ít cười / Ôm duyên ngồi đợi chín mười con trăng.” Hay: “Đêm khuya trăng tỏ gió thanh / Tự nhiên cây quế gãy nhành không hay / Không hay vì nổi không hay / Bài thơ cây quế về tay ai cầm.” 

      Tình yêu đôi lứa cũng được nảy sinh từ quá trình lao động, từ sự giao thoa sản vật giữa miền núi với miền xuôi. Cô gái miền biển gánh “cái mặn mà” lên nguồn trao đổi, gặp chàng trai đang đạp chè, phơi nắng, vừa giúp chàng thu hoạch chè vừa đem lòng thầm yêu , trộm nhớ: “ Mãn mùa chè nệm cuốn sàn treo / Ta về bỏ bạn cheo leo một mình / Bạn ơi bạn chớ phiền tình / Mùa ni không gặp xin hẹn cùng mùa sau / Lạy trời mưa xuống cho mau / Chè kia ra đọt trước sau cũng gặp chàng”.  Ở làng Phú Trường quê tôi (thôn 1, Tiên Sơn) có cây bằng lăng to lắm, thân cây phải đến bốn, năm sãi tay người ôm. Cây nằm bên đường tỏa bóng mát cả một vùng. Cạnh cây bằng lăng ngày đó có cái giếng xây thành bằng những tảng đá vuông vức, nước rất trong, mạch nguồn rất mạnh, dành cho cả làng sử dụng. Từ hồi còn nhỏ tôi đã nghe người lớn đọc và bắt chước câu ca dao: “ Giếng bằng lăng vừa trong vừa mát / Đường bằng lăng lát đá dễ đi / Ngõ chị…có hoa lưu ly / Cho anh… siêng đi nhác về.” Trong làng mỗi khi có đôi trai gái “ phải đôi vừa lứa” để ý đến nhau thì bà con thường đọc câu ca chọc ghẹo vui vẻ. Tên người được ghép vào câu ca dao như chị Huệ, anhSáu… Ấy vậy mà sau thời gian nhiều đôi đã bén duyên thành vợ, thành chồng.

        Cách làng Phú Trường khoảng 4 km là làng Phú Lâm nơi nổi tiếng với phong trào thực hành duy tân gắn với tên tuổi Lê Cơ - Nhân vật điển hình của trào lưu tư tưởng mới ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX. Nơi làng Điển hình duy tân ngày nào vẫn còn lưu truyền bài thơ của nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng tặng làng:” Mừng thay mấy kẻ đồng tâm / Thăng bình là phủ, Phú Lâm là Làng / Nọ Thương cuộc, nọ học đường / Này cơ bảo hiểm, này phường quế viên / Trong hương sự mười phần chấn chỉnh / Cùng nhân tâm huấn chỉnh đôi lời…” Bài thơ của Huỳnh Thúc Kháng đã khắc họa một làng văn hóa, đã có đời sống văn hóa thời bấy giờ.

          Cuộc sống đang bình yên, người Tiên Phước đang đồng tâm xây dựng quê hương thì quân thù tràn đến: …quan binh liền hủy phá trường học, hoặc lấy làm chuồng ngựa, hoặc làm phòng trú cho lính, bàn ghế phá chụm hết phân nửa, sau rồi dỡ nhà trường đem làm chổ khác cho lính tập ở…(Phan Chu Trinh). Tiếp theo đó giặc Pháp, rồi giặc Mỹ đã liên tục giày xéo mảnh đất quê hương tươi đẹp này. Từ đó nhân dân Tiên Phước phải đứng lên kháng chiến và những bài thơ trong thời kỳ này được bật ra từ trái tim từ ý chí kiên cường, bất khuất.

                                Trước nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng

      Ngay những ngày đầu kháng chiến, để tiết kiệm gạo cho tiền tuyến bà con đã có những lời nhắc nhở, phê phán bằng thơ vừa nhẹ nhàng, vừa sâu sắc để biến nó thành nếp nghỉ, nếp làm trong việc tiết kiệm gạo nuôi quân của mọi người: “Hỡi cô bán quán bên đàng / Sao cô không nghỉ tình thương giống nòi / Nấu cơm cô chẳng ghế khoai / Nấu mỳ bằng gạo, nấu hoài không thôi.” Hay như lời thơ thể hiện tình nghĩa quân dân son sắc: “Dầu cho nước chảy đá mòn / Hể còn giặc Mỹ em còn nuôi quân / Chừng mô Tiên Lãnh ăn tiền / Trà My đông chợ hai miền gặp nhau.” Kháng chiến càng phát triển, yêu cầu nâng cao trình độ dân trí nói chung, học vấn nói riêng để phục vụ kháng chiến ngày càng cao, các tầng lớp nhân dân đều hăm hở đến lớp bình dân học vụ, học cả ban ngày lẫn ban đêm. Từ thực tế sinh động nầy, nhiều câu ca dao ra đời để động viên cổ vũ: “Ban ngày sản xuất tăng gia/ Ban đêm cắp sách ta ra trường làng” Hay: Lấy chồng hay chữ là tiên/ Lấy chồng dốt nát là duyên bẽ bàng”.

        Cuộc chiến đấu ngày một cam go, ác liệt; giặc Mỹ liên tục ném bom, càn quét, nhưng nhiều người dân vẫn bám trụ để ủng hộ cách mạng với quyết tâm sắt đá: “Một tấc không đi, một li không rời”. Trong nổi bi thương tột cùng, thơ ca vẫn vang lên đầy nhân văn: “ Mẹ ta chết cho bao bà mẹ sống/ Nhà ta tan cho hàng vạn gia đình”.Thật xúc động khi đọc câu thơ của người chiến sĩ cách mạng nói về tình cảm đau thương của nhân dân trước giờ vào chiến dịch vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà: “Thương thay em bé nhi đồng / Chết nằm chưa liệm hồn trông mẹ về” (Nguyễn Xuân Hữu).

        Xuất phát từ lòng yêu thương con người, yêu quê hương, chiến đấu vì chân lý mà tấm lòng người chiến sĩ vẫn đầy chất thơ dù trong hoàn cảnh ác liệt nhất:” Ăn củ chát nhớ Phước Hà dũng cảm / Ăn rau rừng nhớ Phước Cẩm hiên ngang / Đỉnh Núi Ngang qua tháng ngày yêu dấu / Chốt Mõm Đồi dù bom rớt, đạn rơi…”(Nguyễn Văn Thoang). Trong cuộc chiến đấu một mất một còn để bảo vệ quê hương, tình cảm vợ chồng của những người đồng chí cũng được dồn nén, chất chứa trong lòng, để lý trí vượt lên cùng nhau mối tình dân tộc thiêng liêng: “ …Em ơi nặng mối tình đời/ Nặng tình dân tộc, nhẹ đời riêng tư/ Thôi quên hết nổi lao tù khốn khổ/ Mối buồn riêng ta đổ bên sông/ Ngày mai hai xứ hiệp đồng/ Bắc- Nam thống nhất cờ hồng tung bay…” ( Nghe tin em bị bắt- Phạm Phú Hương).

          Trải qua cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ, chiến tranh rồi cũng qua đi, đất nước thống nhất, nhưng trước mắt vẫn còn bề bộn lo toan trong những ngày đầu hòa bình. Để đào tạo lực lượng cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước, Tiên Phước bước ngay vào mặt trận Văn hóa- Giáo dục: “Nguyên âm o đầu đời cô dạy em biết đọc/ Như tiếng gà gáy ó o cất lên trong bình minh thức giấc/ Như gọi cuộc đời bước lên trong những ngày tất bật/ Ươm lại chồi non trên đất nước mến yêu…” (Nguyễn Khánh). Cùng với những hy sinh thầm lặng của những người đi gieo mầm xanh cho cuộc đời, thơ ca cũng được xuất phát từ trái tim sâu lắng, trăn trở mà chứa chan tình cảm yêu thương con người: “ …Không phải bách tùng xanh lá giữa đông/ Cành mai nhỏ trơ mình giữa rét/ Gom chút nhựa mong manh làn vỏ khép/ cho thân gầy quên giá lạnh buốt thân/…Biết yêu thương là chín bỏ làm mười/ Làm cô giáo có bao điều thua thiệt/ Như cành mai dưới mưa phùn gió bấc/ Vẫn cho đời niềm vui rộn mùa sang…/ (Hoa mai nhà cô giáo- La Thị Diệp).

      Trong gian khó cũng có đôi khi những vần thơ là những lời tâm sự chân thành, là niềm trăn trở: “…Tình yêu thương như bến nước con đò/ Em cầm lái đưa đàn em qua lối/ Đâu phải dễ đi qua vùng bóng tối/ Qua những lần trăn trở sóng đời xao…” để rồi chính lời thơ, chính cuộc sống ý nghĩa đã làm lay động tấm lòng người thầy, người cô: ” …Đẹp biết bao giọng thơ trẻ ngọt lành/ Cơn gió khẽ mang chút tình san sẻ/ Làm cô giáo là nỗi lòng người mẹ/ Đem thương yêu dạy em bé đánh vần…” (Lá đơn không gởi- Huỳnh Văn Mỹ). Từ những ngày gian khổ, với trách nhiệm, với tình thương yêu của thầy cô, bao lớp đàn em thân yêu đã trưởng thành như đứa trẻ được lớn lên từ chiếc nôi tre lắc lay đưa nhịp cùng lời ru của bà của mẹ: “ …Cô giáo già ngồi ru cháu/ Đã đưa bao lớp người đi/ Lặng lẽ cuối đời trở lại/ À ơi ! Một giọng ru chiều/… Cô giáo già ngồi ru cháu/ À ơi ! Tiếng hát chiều nay/ Cho người lớn khôn, rồi mình bé lại/ À ơi…À ơi! Ngày mai.”(Cô giáo già ru cháu - Phan Xuân Lĩnh)

          Buông tay súng, nhân dân Tiên Phước lại cần cù lao động, sản xuất; khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên để xây dựng quê hương. Màu xanh dần trở lại, hương cau không còn vươn khói súng, thoang thoảng những đêm hè. Mảnh vườn xưa nơi gắn bao huyền thoại của thời cha ông lập làng mở đất, của thời mẹ nuôi bộ đội giờ đây thành cõi mơ cho cô gái xuân thì nghe kể chuyện cổ tích ngày xưa: “ Anh về quê em/ Trái lòn bon chưa già, trái bòng thì chưa chín/ Hoa cau nở đầy vườn hương thơm nồng đượm/ Mẹ kể chuyện cau trầu, còn em nói bâng quơ! / Cả góc vườn như huyền thoại, như mơ/ Chuyện cổ tích em nghe mà hồn nhiên như trẻ nhỏ/ Ngày xửa, ngày xưa… Mẹ kể chuyện cau trầu…”(Chuyện cau trầu và dòng sông-Phạm Văn Đốc). 

       Thành quả lao động không ngừng nghỉ của nhân dân Tiên Phước chính là sự thay đổi diệu kỳ trên quê hương. Những người đã từng gắn bó với quê hương Tiên Phước, bây giờ trở lại ai cũng ngỡ ngàng bâng khuâng khi đi qua những xóm làng thân quen với biết bao kỷ niệm: “… Gặp em bên sông Tiên chiều nay/ Bên sông Tiên chiều nay nắng đỏ đôi bờ/ Bâng khuâng ngỡ ngàng vườn cây xanh mướt lá/ Thấp thoáng hàng cau mái nhà xóm núi/ Những cánh đồng làng giải yếm lúa vàng tươi…” ( Sông Tiên một khúc tình ca - Ngân Vịnh).

          Còn nhiều và rất nhiều những bài thơ hay qua các thời kỳ ở Tiên Phước. Những bài thơ viết nên bằng cả tấm lòng, bằng xúc cảm sâu thẳm từ con tim đang cùng nhịp đập rộn ràng của cuộc sống mến yêu. Đó chính là những hạt giống quý giá của tâm hồn con người đã gieo vào cuộc đời để nở thành muôn vàn bông hoa tươi thắm.

                           Trần Hữu Phước - Phòng VH & TT Tiên Phước