www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Dạy học 2 buổi/ngày và bán trú ở Tiên Phước: Tập trung gỡ khó

Phòng GD-ĐT Tiên Phước vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả dạy học 2 buổi/ngày và công tác bán trú ở học sinh tiểu học (TH) trên địa bàn huyện nhằm hướng đến mục tiêu 100% trường tiểu học tổ chức bán trú.

Nhiều khó khăn

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, toàn huyện có 100% trường TH tổ chức dạy 2 buổi/ngày nhưng do khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên chỉ có 70% trong số 5.500 học sinh TH được tham gia. Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh được ở bán trú tại trường chiếm tỷ lệ quá thấp, chỉ chiếm 13%. Số còn lại tùy theo điều kiện có thể do cha mẹ đưa đón, ăn trưa tại các dịch vụ ăn uống gần trường hoặc mang cơm theo ăn tại lớp.

Thực trạng này đã gây áp lực rất lớn cho phụ huynh khi phải đưa đón con ngày 2 buổi. Nhiều trường hợp phụ huynh không sắp xếp được việc đưa đón đành phải cho con ăn trưa tại các hàng quán gần trường hoặc tự mang cơm đến lớp, rất khó đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là chưa kể việc các em lang thang buổi trưa ngoài lớp học với rất nhiều nguy cơ về tai nạn, thương tích, bị xâm hại hoặc sa đà vào các điểm internet, trò chơi điện tử.

Trường Tiểu học Kim Đồng, (thị trấn Tiên Kỳ) có 524/735 học sinh được học bán trú. Ảnh: P.HOÀNG
Trường Tiểu học Kim Đồng, (thị trấn Tiên Kỳ) có 524/735 học sinh được học bán trú. Ảnh: P.HOÀNG


Chị Nguyễn Thị Loan - phụ huynh một học sinh lớp 5, ở xã Tiên Phong chia sẻ: “Tôi làm công nhân, còn chồng làm thợ xây, không thể đưa đón cháu ngày hai buổi được nên cho con tự đi học bằng xe đạp. Bữa trưa, có hôm cháu ăn quán gần trường, có hôm về nhà ăn cơm do mẹ nấu để sẵn từ sáng hoặc ăn mì gói. Tôi lo nhất là gần 4 tiếng đồng hồ buổi trưa không có ai quản, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với con”. Nỗi lo của các bậc phụ huynh cũng chính là trăn trở của lãnh đạo địa phương và ngành giáo dục huyện.

Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nói: “Cái khó của huyện là hầu hết cơ sở vật chất được xây dựng trước đây đều không có thiết kế các công trình phụ trợ như bếp ăn, nơi ngủ nghỉ, các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho các em. Trong khi đó, năm học này huyện vẫn còn thiếu phòng học, thiếu trang thiết bị dạy học, nhất là trang thiết bị dành cho các môn năng khiếu, tự chọn. Một bộ phận phụ huynh đời sống còn khó khăn nên việc đóng góp tiền ăn trưa, tiền thuê cấp dưỡng phục vụ các em còn hạn chế. Tuy nhiên, cũng không thể để tình trạng này kéo dài thêm nữa, huyện đã chỉ đạo ngành giáo dục đề ra nhiều giải pháp, quyết tâm khắc phục tình trạng này trong thời gian sớm nhất”.

Tăng cường giải pháp

Theo ông Trần Thanh Hải - Trưởng phòng GD-ĐT huyện, huyện đã tổ chức cho lãnh đạo các trường TH đi tham quan một số mô hình có tổ chức bán trú trong và ngoài tỉnh để học tập, rút kinh nghiệm; tiến hành khảo sát thực tế tại các trường học triển khai tốt công tác này trên địa bàn huyện và tổ chức hội nghị đánh giá kết quả dạy học 2 buổi/ngày và công tác bán trú với sự tham gia của lãnh đạo các địa phương, các nhà trường và đại diện cha mẹ học sinh. Mời các trường TH đi tiên phong trong công tác này như Kim Đồng, Tiên Cẩm báo cáo tham luận để đại biểu nghiên cứu, thảo luận tìm ra giải pháp phù hợp nhất.

Tại Trường TH Kim Đồng (thị trấn Tiên Kỳ), nhà trường đã đưa tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày và bán trú tăng đều hàng năm. Từ chỗ chỉ có 27% học sinh được học bán trú năm học 2012 - 2013, đến nay con số này đã tăng lên 71,3%. Thầy giáo Nguyễn Văn Hường - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Xác định đây là chủ trương đúng nên chúng tôi mạnh dạn đề nghị chính quyền đầu tư về cơ sở vật chất, đồng thời tập trung tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong cha mẹ học sinh và chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tế của nhà trường, xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp, thân thiện, đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng, chất lượng để triển khai thực hiện hiện đạt kết quả”.

Còn tại Trường TH Tiên Cẩm do khó khăn về cơ sở vật chất, dù là năm thứ ba liên tiếp nhà trường tổ chức cho 100% số lớp học 2 buổi/ ngày nhưng vẫn chưa tổ chức được bán trú. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tuy chưa tổ chức bán trú nhưng đối với học sinh ở xa, nhà trường làm việc với phụ huynh đảm nhận việc cung cấp suất ăn trưa cho các em. Nhà trường chịu trách nhiệm quản lý, cho các em ăn trưa, ngủ nghỉ tại trường. Nhờ đó đã tránh được những rủi ro khi để các em lang thang bên ngoài nhà trường trong giờ nghỉ trưa.

Ông Phùng Văn Huy  khẳng định: “Để thực hiện tốt việc dạy học 2 buổi/ngày và công tác bán trú, huyện sẽ ưu tiên hỗ trợ các trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, từng bước đảm bảo nơi ăn, nơi ngủ, nghỉ cho học sinh. Đối với địa bàn còn khó khăn, vận động cha mẹ học sinh chủ động hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn từ bên ngoài nhưng phải đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho các em. Không để tình trạng học sinh lang thang quán xá vào buổi trưa với nhiều nguy cơ mất an toàn. Đồng thời dạy 2 buổi/ngày và bán trú phải giải quyết cho được bài toán nâng cao chất lượng giáo dục mọi mặt. Tạo điều kiện để học sinh phát huy năng khiếu, tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ, rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường kiến thức ngoại ngữ, hạn chế dạy thêm, học thêm”.

                                                         Phạm Hoàng - Báo Quảng Nam