www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cuộc nam du xuân Ất Tỵ

 Cuộc nam du mùa xuân năm Ất Tỵ (1905) của “bộ ba Duy tân Quảng Nam” với một bài thi và một bài phú ở trường thi Bình Định được xem như là “tiếng nổ lớn với âm hưởng lâu dài”…

               Mùa xuân năm Ất Tỵ, khi công việc Duy tân ở Quảng Nam tạm đi vào nền nếp, ba lãnh tụ của phong trào gồm Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng thực hiện chuyến nam du. “Cả ba lên đường như các chàng Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi sau khi kết nghĩa Đào Viên”,  dẫn theo cuốn “Phong trào Duy tân” của Nguyễn Văn Xuân. Chuyến đi được cố học giả Nguyễn Văn Xuân diễn tả một cách đầy hình tượng: “Thiếu mấy con ngựa và thanh kiếm để chúng ta viết nên một tập truyện lịch sử hay những trang kiếm hiệp”. Với mục đích rất rõ ràng “Mang tư tưởng dân quyền, duy tân, đã  thức tỉnh được một số sĩ phu và đã có được một lực lượng khá mạnh ở tỉnh nhà” để “đi đánh trống, dộng chuông nơi xứ người”, nhằm mở rộng phong trào.

         Đoàn “kiếm hiệp tân thời” đã dừng lại ở Bình Định. Nhân kỳ khảo hạch để chuẩn bị cho khoa thi Hương vào năm sau, ba “kiếm khách” đã vào “quậy” trường thi. Phan Châu Trinh làm bài thơ “Chí thành thông thánh”, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp làm bài phú “Lương ngọc danh sơn”. Cả hai bài đều lấy tên là Đào Mộng Giác (Đào là một họ lớn của Bình Định, còn Mộng Giác là “tỉnh mộng”). Nộp bài xong, những chàng Đào Mộng Giác nhanh chóng vào Phú Yên vì sản phẩm của họ “là một gậy đánh ngang đầu” để “thức tỉnh đám sĩ phu cứ mê say chui đầu vào cái học khoa cử làm hại nước ta đã lâu, ngày nay đã thành đồ bỏ”… Hơn nửa thế kỷ sau, đọc lại bài thi và bài phú đó có người còn “thấy rung động đến tận đáy hồn” với những câu như: “Giang sơn vô lệ khốc anh hùng/ Vạn dân nô lệ cường quyền hạ”, hay “Một lời như khóc như than/ Thôi còn Lương Ngọc, Danh Sơn làm gì?”.

         Đám quan lại của Bình Định “sửng sốt, hãi hùng” nhưng cũng chỉ còn biết “một mặt đệ quyển ấy ra triều đình Huế, một mặt cho nã tên Đào Mộng Giác và bắt một số học trò trong tộc Đào thuộc tỉnh Bình Định là tộc của Đào Tấn để tra hỏi”.Ở Bình Định lúc ấy, có một người biết Đào Mộng Giác là ai nhưng lại giả vờ không biết. Đó chính là quan đốc học Hồ Trung Lượng. Ông người làng An Dưỡng, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn 1892. Năm đó Đốc học Lượng có tang nên không tham gia kỳ khảo hạch.

         Quan đốc học người Quảng biết rất rõ giọng lưỡi của các đại khoa đồng hương vốn từ sớm đã bài xích khoa cử, đề xướng dân quyền, nhưng ông im lặng và mong cho họ mau đi khỏi địa phận trách nhiệm của mình càng xa càng tốt. Quan đốc học nghĩ mình không có đủ chí khí để làm được việc lớn như họ thì ít ra cũng phải biết im lặng đứng về phía họ.

           Rời Phú Yên, đoàn “kiếm khách” lại tiếp tục cuộc nam du. Lúc qua Nha Trang được tin chiến hạm Nga đậu tại Cam Ranh, bèn giả trang khách buôn, thuê thuyền đánh cá, mua trứng gà cùng trái cây các thứ để lên thuyền Nga xem rất khoái. Giữa tháng 5, ba ông tới Bình Thuận. Vừa đến nơi, Phan Châu Trinh bị ốm, còn Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đi tìm người đồng thanh khí bàn việc phát triển phong trào. Một tháng sau, Trần, Huỳnh về lại Quảng Nam để cùng các thân hào bằng hữu chung vốn lập thương cuộc tại Phố (Hội An - Faifoo), lập trường học, nông hội, trồng quế... Phan Châu Trinh ở lại Phan Thiết một mình, lập Thơ xã, tham gia diễn thuyết để phổ biến tư tưởng mới về dân quyền, chủ xướng hội “Thanh niên thể dục” là tiền thân của trường Dục Thanh sau này…

         Định đi tiếp vào Nam kỳ để vận động phong trào nhưng không thành, tháng 9.1905 Phan Châu Trinh quay về. Trên đường về, ông còn tiếp tục dừng lại nhiều nơi để vận động cho phong trào. Ông thuyết phục được một viên quản đạo ở Phan Rang, môt viên tri huyện ở Bình Định, một viên bố chánh hưu trí ở Quảng Ngãi ủng hộ phong trào và sau này đi theo, thậm chí đã chết cho phong trào…

         Đánh giá về cuộc nam du của Phan Châu Trinh và các đồng chí, Châu Hải Kỳ đã viết: “Nhờ cụ Phan Châu Trinh chủ xướng, khuyến khích giáo dục, công thương hội mà phong trào truyền bá canh tân, mở mang thương nghiệp, chấn hưng công nghệ đã được khởi phát và thực hiện tại Bình Thuận sớm hơn ở Bắc phần và Nam phần”.

           Tháng chạp, sau khi về Quảng Nam, nghe tin Phan Bội Châu từ Nhật Bản về, Phan Châu Trinh lại tìm gặp Tiểu La Nguyễn Thành và Trần Quý Cáp để bàn chuyện ra Bắc. Rồi “kiếm khách” Phan Châu Trinh lại lên đường bắc du, lần này “hiệp sĩ” Ông Ích Đường tháp tùng. Hai thầy trò ra Hà Nội gặp Đào Nguyên Phổ, Lương Văn Can, Võ Hoành, Nguyễn Quyền...; vào Nghệ Tĩnh gặp Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân rồi lên Yên Thế gặp Hoàng Hoa Thám, trước khi xuống tàu sang Nhật Bản.

         Trong năm Ất Tỵ (1905), hạt giống Duy tân Quảng Nam đã được gieo mầm từ Nam ra Bắc, vì vậy được xem là năm “bản lề” của phong trào Duy tân Quảng Nam. Đón xuân Quý Tỵ 2013 này, nhắc chuyện xuân Ất Tỵ xưa như một nén hương tưởng nhớ những “người muôn năm cũ” mà hồn như còn phảng phất đâu đây…

                                                             Lê Thí - Báo Quảng Nam