www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

"Công tử" miệt vườn Tiên Phong

Về thôn 6, xã Tiên Phong (Tiên Phước), chúng tôi bắt gặp ngôi nhà hai tầng rêu phong nằm bên triền đồi thoai thoải. Hỏi chuyện, mới hay đây là ngôi nhà cổ được xây dựng từ năm 1928, chủ nhân của nó là một “công tử” miệt vườn...

Làm giàu thời xưa

Vào những năm 1870, gia đình họ Triệu ở thôn núi Đốc (nay là thôn 6, xã Tiên Phong) có người con trai tên Triệu Hoằng. Mặc dù xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo nhưng với sự thông minh và cần cù lao động, ông đã làm nên nghiệp lớn. Nhìn thấy các lái buôn ở các nơi khác đến mua nông sản và các loại gia súc, gia cầm mang về đồng bằng tiêu thụ, ông suy nghĩ, hà cớ chi mình không trực tiếp mang xuống đồng bằng để bán mà phải qua trung gian?

Nói là làm, ông theo chân dân buôn xuống đồng bằng giả vờ đi chơi nhưng thực ra đi để tìm hiểu thị trường tiêu thụ. Nắm được cách thức buôn bán và được cha mẹ đồng ý, ông gom hết hàng hóa trong nhà đem bán ở Tam Kỳ, Điện Bàn, Hội An… Trong chuyến buôn đầu tiên không chỉ tiêu thụ hết hàng hóa, lợi nhuận cao mà còn tạo được mối thân thiết và lòng tin của các chủ hàng. Sau khi có mối lái, ông mạnh dạn thuê phu khuân vác và tăng dần số lượng hàng hóa lên, chuyến sau nhiều hơn chuyến trước, chẳng lâu sau ông trở nên người giàu có nhất làng.

Nhà giáo Triệu Thành Tâm giới thiệu quần thể nhà ở của gia đình. Ảnh: N.Đ.N
Nhà giáo Triệu Thành Tâm giới thiệu quần thể nhà ở của gia đình. Ảnh: N.Đ.N

Khi đã có vốn liếng thay vì đầu tư mua rừng rẫy, trâu bò..., ông Triệu Hoằng lại đầu tư mua ruộng. Ông nghĩ, “ruộng ắt phải sinh ra lúa, ra khoai. Lúa, khoai sẽ sinh lợi ra tiền, ra vàng chứ đầu tư trồng rừng, hoặc chăn nuôi trâu bò vất vả lại chịu nhiều rủi ro”. Vì vậy, ông dành toàn bộ số tiền, vàng dành dụm được mua hết ruộng đất mà bà con nông dân cần bán. Có hai cách mua ruộng mà bà con thời đó cần bán, là bán thục (cầm cố, khi có tiền chuộc lại) và bán đoạn (sang tên, đổi chủ). Với cách mua bán như vậy, không kể ở Tiên Lộc, Tiên Phong, chỉ ở Tiên Mỹ, ông Hoằng đã sở hữu 198 thửa ruộng lớn nhỏ, trong đó có hàng chục thửa ruộng to ở trước nhà.

Có ruộng, ông thuê người làm mướn, sản xuất lúa khoai, tiếp tục đưa xuống đồng bằng để tiêu thụ. Khi đã giàu có, ông mua gỗ, vật liệu xây dựng, mướn thợ làm suốt 12 năm trời mới tạo nên một quần thể nhà ở khá quy mô với tổng diện tích gần 3.000m2. Trong nhà lúc nào cũng có hàng chục người làm, kẻ ở, tuy nhiên chỉ có mỗi một mụn con thì vợ ông bị bạo bệnh qua đời, để lại cho ông cảnh gà trống nuôi con.

Tài sản vô giá

Là người con duy nhất, ông Triệu Phương (Chánh Hai), sinh năm 1907, đương nhiên được thừa hưởng tài sản kếch sù do cha mẹ để lại. Không chỉ giàu có mà còn là người có học thức, đẹp trai và hào phóng nên ông Chánh Hai được nhiều người trọng vọng. Trong số những người ông thường giao du, không thiếu những “cậu ấm, cô chiêu” và những người thuộc thành phần đàn ca, hát xướng ở khắp các nơi. Mỗi lần ra phố thị chơi hoặc giải quyết công chuyện, ông thường để ý đến những ngôi nhà lầu được xây dựng lộng lẫy.

Ông tự nghĩ “làm nhà lầu ắt là những người có nhiều tiền của mới làm được, trong khi đó ông không thiếu tiền thì hà cớ chi không làm nhà lầu để hóng mát”. Đầu năm 1928, ông quyết định xây dựng một ngôi nhà lầu ngay trong quần thể nhà ở. Thời gian này vật liệu xây dựng phải mua tận Đà Nẵng, Hội An, vận chuyển bằng đường biển vào tập kết tại bãi biển Tam Ấp (nay là xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ), sau đó vận chuyển bằng phương tiện thủ công về Tiên Phong. Khó khăn là vậy nhưng ông Chánh Hai đã xây dựng được một ngôi nhà lầu hai tầng khang trang khiến quan lại và những người có “máu mặt” ở địa phương càng kính phục.

Vốn là người giàu có lại hào phóng, mỗi khi xem hát tuồng ông Chánh Hai luôn ban thưởng hậu hĩnh cho những người biểu diễn xuất sắc. Với phong cách đặc biệt đó, ông thường xuyên đón tiếp các đào hát mà ông đã từng “thưởng nóng” khi họ đến chơi và tìm cách chinh phục trái tim của “công tử” miệt vườn. Mỗi lần như vậy, ông cười bảo: “Tôi là người sinh ra và lớn lên tại miền quê, không quen với chốn phồn hoa đô hội và không quen đàn ca hát xướng. Vì vậy người bạn đời của tôi phải là một người dân quê”. Với cái tính hay vui chơi và với tấm lòng hết mình vì những người nghèo khó, ông ít để ý đến bản thân và không quan tâm đến chuyện lập gia đình. Mãi đến năm 50 tuổi (1957), trong một lần đi thăm ruộng, tình cờ gặp thôn nữ Nguyễn Thị Điển, ông Chánh Hai quyết định đi đến hôn nhân cùng thôn nữ này, ít hơn ông 28 tuổi quê ở xã Tiên Mỹ (Tiên Phước).

Chiến tranh ngày càng ác liệt, ông Chánh Hai đưa vợ con về quê vợ để cư ngụ. Năm 1965, quần thể nhà ở của ông bị địch ném bom đánh phá tan hoang. Nghe tin như sét đánh ngang tai, tinh thần suy sụp, sức khỏe giảm sút, ông Chánh Hai qua đời vào năm 1967. Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, vợ con ông đùm túm về quê, xây dựng lại nhà cửa từ những đống tro tàn đổ nát. Quần thể nhà ở hầu như không còn gì chỉ còn duy nhất ngôi nhà lầu hai tầng nhưng phần nhà sau đã bị sụp. Ngôi nhà này hiện không sử dụng mà để làm di tích của gia đình.

Nhà giáo Triệu Thành Tâm - con trai của ông Triệu Phương (Chánh Hai) cho biết, tài sản của ông bà, cha mẹ nhiều nhưng ông chỉ được thừa hưởng sự thông minh, cần cù lao động, tính quyết đoán, dám nghĩ dám làm của ông nội và tấm lòng nhân hậu, sự bao dung, tính chịu thương, chịu khó và sự đảm đang của người mẹ. Tính chuẩn mực, gương mẫu, sự hào phóng, yêu thương con người và hết lòng vì những trường hợp nghèo khó của người cha. Đó là tài sản vô giá đã giúp ông trở thành nhà giáo luôn coi trọng “chân, thiện, mỹ” và nhân cách làm người…

                                      Nguyễn Điện Ngọc - Báo Quảng Nam