www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

"Còn sống, còn chiến đấu"

“Vì nhiều lý do khác nhau, lĩnh vực đấu tranh chính trị và binh địch vận của tỉnh ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chưa được nghiên cứu tổng kết đầy đủ, đúng với tầm vóc và thực tế đã diễn ra”. Đó là điều ông Nguyễn Thành - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Dân vận - Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn luôn trăn trở. Đương thời ông luôn mong muốn có một công trình tổng kết công tác đấu tranh chính trị, binh địch vận trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhằm ghi nhận những cống hiến hy sinh của đồng chí, đồng đội, cán bộ và nhân dân trên mặt trận này đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tâm nguyện ấy vẫn còn dang dở, bởi lúc 14 giờ 30 phút ngày 6.8.2018, ông Nguyễn Thành đã trút hơi thở cuối cùng trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng đội, gia đình và người thân.

Ông Nguyễn Thành đóng góp ý kiến tại tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam” do UBND tỉnh tổ chức năm 2013. Ảnh: HÀN GIANG
Ông Nguyễn Thành đóng góp ý kiến tại tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam” do UBND tỉnh tổ chức năm 2013. Ảnh: HÀN GIANG

Trải nhiều lao tù 

Ông Nguyễn Thành (tên khai sinh là Nguyễn Hào, bí danh Nguyễn Sơn), sinh năm 1930 tại làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Cha mất sớm, ông được mẹ và các anh chị nuôi dạy; tham gia cách mạng từ tháng 8.1945, làm Bí thư Thanh niên Cứu quốc xã Thạnh Bình. Đến năm 1953, ông làm Phó Bí thư Huyện ủy phụ trách Tổ chức và Tuyên huấn huyện Tiên Phước; sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được cử ở lại hoạt động bí mật, làm Phó Bí thư Huyện ủy Tiên Phước. Tháng 1.1955 ông bị địch bắt khi đang đi nắm tình hình tại xã Tiên Hồ, bị đưa về nhốt ở quận Tiên Phước, rồi chuyển vào nhà giam của ty công an, sau đó chúng đưa về nhà lao Hội An.

Với những đóng góp trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Thành đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong nhà lao Hội An, ông gặp lại các đồng chí của mình như Hồ Truyền, Đào Em, Ngô Đôi, Hồ Cột…, được cử tham gia ban lãnh đạo nhà tù, phụ trách công tác tổ chức, nắm số cán bộ, đảng viên quê Tiên Phước bị giam tại đây. Ông đã tuyên truyền vận động tù chính trị giữ vững lập trường, tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng, đồng thời lãnh đạo đấu tranh chống chào cờ, chống học tập tố cộng, đòi cải thiện đời sống tù nhân… Với những hoạt động trên, ông được địch xếp vào loại “ngoan cố trong số ngoan cố” ở nhà lao Hội An. Vì vậy, tháng 7.1956, ông bị địch đưa vào nhà lao Kho Đạn (Đà Nẵng) rồi đày ra Côn Đảo. Từ năm 1960, phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang của nhân dân miền Nam phát triển mạnh mẽ, dư luận quốc tế lên án chế độ hà khắc của nhà tù Côn Đảo. Vì vậy, cuối năm 1962 đầu năm 1963 địch phải chuyển hàng trăm tù chính trị vào đất liền, trong đó có Nguyễn Thành.

Giữ nhiều  trọng trách

Ra tù về lại quê hương, ông lập tức bắt liên lạc với cơ sở cách mạng, được đưa ra vùng giải phóng tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau khi liên lạc được với đồng chí Bốn Hương (Vũ Trọng Hoàng) - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam tại căn cứ Tỉnh ủy ở Tiên Sơn, ông báo cáo tình hình bị bắt, bị tù và quá trình được đưa về đất liền, được giải thoát và liên lạc được với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Sau đó, ông được Thường vụ Khu ủy 5 quyết định phục hồi Đảng tịch.

Khoảng giữa năm 1964, ông Nguyễn Thành được cử làm Bí thư Huyện ủy Tiên Phước. Tình hình huyện Tiên Phước lúc này có đặc điểm là một số xã đã được giải phóng, một số xã còn bị địch chiếm đóng, kèm kẹp rất chặt. Ông cùng lãnh đạo Huyện ủy vừa ra sức xây dựng lực lượng chính trị ở vùng địch kiểm soát cũng như vùng giải phóng, xây dựng lực lượng vũ trang của huyện và du kích các xã để chống địch càn quét lấn chiếm, vừa đẩy mạnh sản xuất cải thiện đời sống nhân dân.

Từ tháng 10.1967, ông lần lượt được phân công phụ trách Trưởng ban Dân vận - Đấu tranh chính trị - Binh vận tỉnh; Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ. Tháng 7.1970, ông đi chữa bệnh ở miền Bắc, sau đó về lại miền Nam và tiếp tục được phân công làm Trưởng ban Dân vận - Đấu tranh chính trị - Binh vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tỉnh Quảng Nam. Tháng 10.1975, ông làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, phụ trách Dân vận - Mặt trận, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Trưởng ban Tuyên huấn, Tổ chức. Từ tháng 10.1986, ông đảm nhận chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng; đến tháng 6.1992 thì nghỉ hưu theo chế độ.

Còn sống còn chiến đấu

Sau khi nghỉ hưu, với tâm niệm “còn sống là còn chiến đấu”, ông tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ 3, phường Hải Châu, TP.Đà Nẵng hai nhiệm kỳ. Với tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, ông đã không ngừng đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đặc biệt, với vai trò là nhân chứng sống đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ông tích cực tham gia góp ý cho Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nghiên cứu biên soạn cuốn “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn 1930 - 1975”; tham gia góp ý các công trình lịch sử công tác Tuyên giáo, Tổ chức, Dân vận của Đảng, Lịch sử MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Tiên Phước... Đặc biệt, là người từng bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, sau ngày giải phóng, ông đã cùng với Ban Liên lạc tù chính trị Côn Đảo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng sưu tầm tư liệu, biên soạn cuốn “Người đất Quảng với Côn Đảo” (xuất bản 1999). Ông cũng luôn dành thời gian về thăm đồng đội, thăm nơi đã từng che chở, đùm bọc mình trong những ngày kháng chiến ác liệt.

Thời gian qua, mặc dù tuổi cao sức yếu, để hoàn thành tâm nguyện của mình, ông đã cố gắng viết đề cương “Tổng kết công tác đấu tranh chính trị, binh địch vận trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương giao cho Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Ban Liên lạc Công tác đấu tranh chính trị - Binh địch vận nghiên cứu, biên soạn, tôi đã gọi điện báo tin, ông rất mừng. Tiếc rằng ông không thể chứng kiến công trình - cũng là mong ước, tâm nguyện của ông - hoàn thành!

                                                         Năng Đông - Báo Quảng Nam