www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chuyến điền dã đầu xuân

Sau đợt đào thám sát vào mùa hè năm 1982 tại xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, chúng tôi xác định, các di vật phát hiện được tại di tích Gò Quảng – Tiên Hà thuộc văn hóa Sa Huỳnh, niên đại vào khoảng 200-500 năm trước Công nguyên. Do tính hấp dẫn của di tích, năm 1983, Sở VH-TT QN – ĐN đã phối hợp với viện Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam và khoa Bảo tàng của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tiến hành khai quật di tích Tiên Hà.

     Tháng 3, dư âm của Tết Nguyên Đán còn đọng lại trong mỗi người, không khí ấm áp ngày xuân dường như quyện theo những bước chân háo hức của những người đi điền dã. Đoàn khảo cổ gồm bốn người thuộc Viện Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam là Phạm Quốc Quân, Trịnh Căn, Quang Văn Cậy và Vũ Quốc Hiền; Sở VH-TT QN – ĐN có Lê Văn Chỉnh, Hồ Xuân Tịnh và Nguyễn Thượng Hỷ; khoa Bảo tàng của Đại học Văn hóa Hà Nội có hai giảng viên là thầy Tiến, thầy Hùng và hơn 30 sinh viên.

       Sáng tinh mơ, một chuyến xe khách đưa chúng tôi từ Đà Nẵng lên Tiên Phước. Mặc dù ngồi chật cứng, nhưng dù sao cũng thoải mái hơn so với những chuyến xe khác từ Đà Nẵng đi Tiên Phước, chuyến nào cũng lèn chặt người bên trong xe, nhiều người còn đứng bám phía sau, đúng là “hành khách”. Vào thời ấy, mỗi ngày chỉ có hai chuyến xe lên xuống, muốn có chỗ ngồi phải xếp hàng mua vé rất sớm.

Di tích Sa Huỳnh tại xã Tiên Hà

      Khởi hành sớm nhưng xe bị sự cố dọc đường, phải chờ hơn hai giờ để sửa chữa. Gần trưa xe mới đến được thị trấn Tiên Kỳ, các đ/c lãnh đạo UBND huyện và Phòng VH-TT mặc dù nóng ruột vì chờ đợi quá lâu nhưng vẫn đón tiếp rất nồng nhiệt. Chúng tôi không thể dừng lâu ở thị trấn, ăn trưa xong là vội vàng lên đường đi tiếp, vì đường xấu lại nhiều dốc khó đi, xe lại vừa bị hỏng, tài xế không quen đường nên chỉ chạy nhanh hơn tốc độ… đi bộ, hơn một tiếng đồng hồ sau mới đến Tiên Hà. Tại trụ sở UBND xã, các đ/c lãnh đạo Đảng Ủy và UBND đã chờ từ sáng. Sự nhiệt tình và chân chất của cán bộ xã làm chúng tôi quên đi mệt nhọc.

    Qua tiếp xúc với cán bộ và nhân dân địa phương, đoàn khảo cổ hiểu thêm về truyền thống cách mạng của vùng Sơn – Cẩm – Hà, người dân địa phương này đã kiên cường bám trụ chống giặc, vùng đất này là căn cứ địa cách mạng trong nhiều năm. Vào thời gian đoàn khảo cổ đến, mùa màng ở Tiên Hà bị thất bát vì hạn hán, lại thêm nạn chuột bọ, côn trùng phá hoại, nhiều gia đình bữa cơm, bữa sắn, vậy nhưng nhiều người đã mang đến tặng chúng tôi từng rổ khoai, trái bí, đu đủ… Trong lúc đoàn chưa mua được gạo, một số hộ dân và hợp tác xã đã cho mượn gạo dùng tạm…

Khu mộ chum nhìn từ sông Tiên

      Tại di tích Gò Quảng, các nhà khảo cổ đã đào ba hố, tổng diện tích khai quật là 150m2, tuy nhiên lần này kém may mắn hơn đợt đào thám sát năm 1982, các nhà khảo cổ chỉ tìm thấy ba mộ táng, trong đó có một mộ đã phá huỷ. Nhân dân địa phương cho biết, khu vực phân bố nhiều chum trước đây nằm sát bờ sông Tiên, lũ lụt hàng năm làm sạt lở bờ sông đã kéo theo nhiều mộ chum xuống sông, cùng với sự phá hoại của bom Mỹ trong chiến tranh, có lẽ vì thế mà  khu di tích còn lại rất ít mộ táng.

      Di vật khai quật được trong năm 1983 chỉ có hai mộ chum hình trụ. Chiếc chum thứ ba đã bị phá huỷ nghiêm trọng, không xác định được hình dạng. Chôn theo trong các ngôi mộ có năm nồi gốm, một bát gốm, bốn chiếc đĩa gốm, ngoài ra còn có nhiều mảnh gốm vỡ với các loại hoa văn khắc vạch sóng nước, tam giác… Về công cụ lao động có bốn chiếc thuổng sắt, hai rựa sắt, một dao nhọn, một công cụ không xác định được loại hình, tất cả đã bị han rĩ nặng. Trong mộ táng còn có các loại hạt chuỗi bằng mã não, thủy tinh và đá.

      Với 150m2 mà chỉ tìm thấy ba mộ chum làm tôi thật sự choáng váng, lúc bấy giờ tôi mới thấy mình quá chủ quan trong báo cáo kết quả thám sát năm 1982, trong khi chỉ đào 2m2 tìm thấy hai mộ chum đã vội cho rằng mật độ phân bố của các mộ táng ở Gò Quảng khá dày đặc. Qua bài học nhớ đời này, tôi tâm niệm là phải hết sức thận trọng khi đưa ra một nhận định khoa học, không nên chỉ với vài thông tin ít ỏi đã “phán” ngay, càng không nên vội vàng công bố trên các phương tiện truyền thông những vấn đề mình cho là nóng bỏng mà chưa được kiểm chứng chính xác.

       Theo thông tin của nhân dân, tại Gò Miếu, một địa điểm cách Gò Quảng khoảng 1,5km về phía Đông có nhiều mảnh gốm cổ xuất lộ. Sau khi khảo sát, các nhà khảo cổ đã khai quật hai hố với tổng diện tích 100m2. Đã phát hiện bốn chiếc nồi còn tương đối nguyên vẹn, nhiều mảnh vỡ của các loại nồi, bát… Về công cụ lao động, có hai chiếc rìu tứ giác được làm bằng đá bazan, bốn chiếc bàn mài, một bàn nghiền hạt; ngoài ra còn có một vài công cụ được làm từ cuội thạch anh với những nhát ghè đẽo đơn giản, là tàn dư của kỹ thuật thời sơ kỳ đá mới. Các nhà khảo cổ còn tìm thấy ba mảnh của công cụ đồng thau, trong đó có một mảnh rìu đồng.

       Hiện vật tìm thấy trong hố khải quật không nhiều, tuy vậy vẫn đầy đủ những đặc trưng của một bộ sưu tập hiện vật thường có mặt trong một khu cư trú cổ. Qua nghiên cứu di vật phát hiện được ở hai địa điểm Gò Miếu và Gò Quảng, các nhà khảo cổ đã nhận xét: Về tính chất di tích, Gò Quảng là khu mộ táng của người cổ Sa Huỳnh, trong khi đó Gò Miếu là khu cư trú cổ.

       Có một chuyện kỳ lạ xảy ra trong đợt khai quật này. Vào đêm sau ngày phát hiện một số hạt mã não trong mộ chum, lúc bấy giờ khoảng 10g30 đến 11g khuya, cánh đàn ông còn đang lai rai trong một nhà dân, bỗng nghe tiếng la hoảng rất to và tiếng khóc thút thít của mấy cô sinh viên đang ngủ trong trụ sở  hợp tác xã, anh em vội bật đèn pin, chạy vội đến, cứ lo mấy cô bị các cậu sinh viên trêu chọc, phá phách hoặc nhát ma. Nhìn quanh không thấy gì, chỉ có mấy cô ôm nhau có vẻ rất sợ, anh Quân hỏi “có việc gì mà khóc om sòm thế?”, cô Mai – lớp trưởng trả lời: “Chúng em không có gì đâu, các anh cứ yên tâm về ngủ đi”. Mấy anh em vẫn lo, soi đèn tìm quanh nhà không thấy gì mới quay về nhậu tiếp. Sáng hôm sau, một cô gọi riêng tôi và đưa ra mấy hạt mã não và thì thào: “Anh nhập vào hiện vật khai quật nhé! Em nhặt được trong hố hôm qua”. Tôi chợt hiểu, chuyện hồi khuya thì ra là vậy… Chẳng biết có phải mê tín hay không đây nhưng chuyện tương tự như thế thì tôi đã gặp đôi lần trong cuộc đời làm khảo cổ của mình.

      Kết thúc đợt khai quật, lãnh đạo Đảng ủy, UBND và ban ngành của xã đã có cuộc gặp mặt thân tình với đoàn khảo cổ để liên hoan chia tay, mặc dù đơn sơ, đạm bạc nhưng đầy ắp tình cảm. Vì không thuê được xe lên Tiên Hà, cả đoàn phải lội bộ về thị trấn, UBND xã đã cử người dẫn đường, giúp chúng tôi đi đường tắt gần và mát hơn. Sự nhiệt tình hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự thương yêu của người dân Tiên Hà là những kỷ niệm không thể nào quên trong ký ức của chúng tôi, cho đến sau này, thỉnh thoảng vài sinh viên ngày ấy nay đã trở thành cán bộ lãnh đạo các Sở VH,TT&DL phía Bắc, khi gặp tôi qua hội nghị của ngành, vẫn nhắc lại những ngày ở Tiên Hà…

      Mặc dù chuyến điền dã đầu xuân chỉ thu thập được một số lượng hiện vật khiêm tốn tuy nhiên giá trị khoa học của chúng không nhỏ, đã góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu thời tiền sử và sơ sử trên đất Quảng Nam, di chỉ cư trú ở Gò Miếu đã cung cấp cứ liệu để khẳng định người cổ Sa Huỳnh là cư dân bản địa. Cho đến nay, mặc dù số lượng di tích văn hóa Sa Huỳnh cũng như các di vật thuộc nền văn hoá này được tìm thấy tại Tiên Phước không nhiều, nhưng cũng đủ để các nhà khảo cổ hình dung được phần nào sự phát triển của xã hội Sa Huỳnh trên đất Tiên Phước vào thời xa xưa. Những chứng cứ vật chất tìm thấy được ở các di tích khảo cổ tại Tiên Phước càng khẳng định sự phân bố rộng khắp của các di tích Sa Huỳnh, không chỉ ở vùng đồng bằng ven biển mà còn có mặt ở các vùng thượng nguồn sông Thu Bồn và các nhánh sông khác như sông Tiên, sông Tranh, sông Trường… 

      Tính chất vùng của phức hệ văn hóa Sa Huỳnh miền núi ngày càng xuất lộ rõ hơn qua bộ sưu tập công cụ lao động. Với những công cụ như rựa sắt, thuổng sắt, người cổ ở vùng này có thể phát rừng làm rẫy, nền nông nghiệp của họ đã khá phát triển; ngoài ra họ còn khai thác các loại lâm thổ sản quý giá trong rừng để trao đổi với các nơi khác, nhất là vùng đồng bằng.

        Trong mối quan hệ với các di tích khảo cổ học nằm ở lưu vực sông Thu Bồn, các di tích Sa Huỳnh ở Tiên Phước đóng vai trò là vùng khai thác nguyên liệu, cung cấp cho các cư dân cổ vùng đồng bằng các loại sản vật của rừng như trầm hương, quế, hồ tiêu, ngà voi, sừng tê giác, các loại cây thuốc… là những mặt hàng mà các thương nhân vùng Nam Á và Trung Hoa rất ưa chuộng.

       Từ vùng thượng nguồn, hàng hóa xuôi về đồng bằng qua ngả đường sông, đến vùng hạ lưu của sông Thu Bồn, ở đó có một cảng thị cổ của người Sa Huỳnh; những di vật khảo cổ khai quật được ở vùng Lai Nghi (Điện Bàn), Hậu Xá, An Bang (Hội An)… cho thấy vùng nay là cửa ngõ để người cổ Sa Huỳnh vùng lưu vực sông Thu Bồn giao lưu với cư dân cổ Trung Hoa, Ấn Độ và các nước Nam Á khác. Mặc dù có thể trình độ phát triển của vùng núi và đồng bằng thời bấy giờ không đồng đều, tuy nhiên trong sự phát triển kinh tế của cư dân cổ Sa Huỳnh vùng đồng bằng có đóng góp không nhỏ của cư dân cổ miền núi, góp phần thúc đẩy việc hình thành nhà nước sơ khai ở vùng đồng bằng vào những năm đầu Công nguyên…

                           Hồ Xuân Tịnh - Tạp Chí Văn Hóa Quảng Nam