www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chung quanh vụ tạm thời chưa cho khai thác gỗ keo tại Tiên Thọ

 Chính quyền địa phương thừa nhận số keo do bà Lan bỏ vốn liếng, công sức trồng và chăm sóc nhưng vẫn quyết định tạm dừng khai thác vì rắc rối do sự  tranh chấp nguồn gốc đất.

            Trong đơn gửi Báo Quảng Nam, bà Trần Thị Lan trú thôn 6, xã Tiên Thọ (Tiên Phước) cho biết, năm 1997, bà Trần Thị Châu và con trai là Nguyễn Thanh Thiện trú cùng thôn có mượn của gia đình bà gần 7.000m2 đất trồng sắn, chuối. Thời gian này, bà Lan sinh sống, làm ăn ở xa, ông Thiện đã lợi dụng làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) đứng tên bà Trần Thị Châu. Khi bà Lan trở về, bà Châu đã trả lại khu vườn cho bà vào năm 2007 nên bà đã xây nhà ở và trồng cây lâu năm trên diện tích đất 7.000m2. Tuy nhiên, việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Lan với bà Châu, ông Thiện diễn ra và kéo dài nhiều năm song chính quyền địa phương vẫn chưa giải quyết được.

 

Bà Lan bức xúc cho rằng, chính quyền xã Tiên Thọ gây khó không cho bà khai thác keo. Ảnh: T.H
Bà Lan bức xúc cho rằng, chính quyền xã Tiên Thọ gây khó không cho bà khai thác keo. 


       Cách đây hơn 3 năm, bà Lan trồng keo trên diện tích 7.000m2 đất (đã trở thành vườn nhà của bà) khi đi làm ăn xa trở về. Các đợt bão vừa qua, số keo trồng đổ ngã, bà Lan khai thác bán, nhưng gặp phải sự phản đối của ông Thiện. Mới đây, bà Lan làm đơn xin UBND xã Tiên Thọ cho khai thác toàn bộ số cây keo trong vườn nhà để trang trải cuộc sống nhưng vì ông Thiện có ý kiến nên chính quyền địa phương  tạm thời chưa cho bà Lan khai thác. Bà Lan bức xúc: “Hoàn cảnh hiện tại của gia đình tôi rất khó khăn, một mình phải nuôi con ăn học nên bất đắc dĩ phải bán keo non. Hàng nghìn cây keo trong vườn nhà do tôi bỏ vốn liếng, công sức để trồng và chăm sóc đã được người dân trong thôn xóm xác nhận. Thật vô lý khi ông Thiện đưa ra điều kiện chỉ chấp nhận cho tôi khai thác nhưng phải trả lại cho ông một nửa diện tích khu vườn”. Cũng theo bà Lan, ông Thiện thừa nhận số keo thuộc quyền sở hữu của bà, vậy không có lý do gì chính quyền địa phương lại gây khó dễ, không cho bà khai thác bán.

       Tại Biên bản hòa giải tranh chấp giữa bà Lan và bà Châu vào ngày 10.12.2013, ông Phạm Bá Hùng - Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ, thống nhất cho bà Lan khai thác keo trong vườn nhà và yêu cầu không được trồng lại vì đất đang tranh chấp. Tuy nhiên, ông Thiện đã khởi kiện tranh chấp đất và keo trồng trong vườn nhà bà Lan. TAND huyện Tiên Phước yêu cầu chính quyền địa phương tạm thời không cho bà Lan khai thác keo để giải quyết vụ việc.

       Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Bá Hùng khẳng định, chính quyền không hề gây khó cho bà Lan mà đang chờ sự phán quyết của TAND huyện. Vụ việc này không đơn thuần là cho hay không cho khai thác, vận chuyển gỗ keo, mà là  tranh chấp đất đai. Cây keo thì của bà Lan, nhưng hồ sơ giấy tờ đất lại hoàn toàn thuộc quyền sử dụng, quản lý của bà Châu. “Tranh chấp đất đai giữa bà Lan và bà Châu, ông Thiện kéo dài suốt nhiều năm qua, khiến địa phương đau đầu. Sắp đến, chúng tôi sẽ tiếp tục mời các bên có liên quan lên làm việc, mong muốn sẽ tìm được tiếng nói chung trong giải quyết hòa giải. Hồ sơ giấy tờ thì đứng tên bà Châu, còn thực tế  người sử dụng đất lại là bà Lan. Đất (trên giấy tờ) của ông Thiện mà không sử dụng, theo quy định thì cũng phải tính toán đến phương án thu hồi” - ông Hùng cho biết.

        Thiết nghĩ, chính quyền huyện Tiên Phước cần chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý  rốt ráo vụ tranh chấp đất đai kéo dài đã nhiều năm nay.

                                                                                                 Trần Hữu - Báo Quảng Nam