www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chí tự học của cụ Huỳnh

Năm 1908, khi phong trào chống thuế bùng nổ ở Quảng Nam, cụ Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt giam ở ngục Faifo (Hội An), sau đó bị kết án đày đi đảo Côn Lôn (Côn Đảo). Tại đây, cụ đã học được rất nhiều điều.

Đặt chân đến đảo Côn Lôn - “trường học thiên nhiên” (chữ dùng của cụ Huỳnh), cụ Huỳnh gặp các nhà yêu nước khác: Nguyễn Thành, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Dương Thạc, Trương Bá Huy, Nguyễn Cảnh, Nguyễn Quần. Cụ không quên mang theo quyển Pháp-Việt từ điển của Trương Vĩnh Ký, quyển Lecture langage và quyển mẹo (grammaire, văn phạm tiếng Pháp) để tự học “chữ Tây” trong “trường học thiên nhiên” này. Thế nhưng, những sách ấy không được mang vào trong khám và bị thất lạc. Thật may, cụ Phan Châu Trinh (đã bị đày ra Côn Lôn trước đó), biết là sách của cụ Huỳnh nên chuộc lại và gửi vào khám.

Có được sách, Huỳnh Thúc Kháng cùng cụ Tập Xuyên Ngô Đức Kế và một vài bạn tù tập học chữ Tây sau một ngày làm xâu. Cụ Huỳnh thuật lại trong cuốn Thi tù tùng thoại của ông: Lúc chúng tôi học chữ Tây, mỗi bữa trưa đọc sách viết dictée (chính tả - ĐNCT), hai phòng bên cạnh cho rằng làm mất giấc trưa của chúng, khởi lên chửi mắng: “Tụi quan to, ở nhà cha mẹ cho đi học, không học, nay ra tù, học cái gì phá giấc ngủ người ta”.

Từ khi tù chính trị được giam riêng một khám, không có tù khác khuấy nhiễu, mỗi bữa nghỉ trưa, việc học chữ Tây càng sôi nổi và hăng hái hơn. Nhóm tù chính trị hiếu học còn “mua thêm một ít sách Lecture (tập đọc – ĐNCT) và sách mẹo, cùng một bản L’Histoire Nationale FranϚaise (Lịch sử quốc gia Pháp - ĐNCT)” để cùng nhau nghiên cứu và hiểu biết Pháp văn hơn. Kết quả thật khả quan. Cụ Huỳnh cho hay: “Tuy chúng tôi học bằng con mắt với cái não, nên nghe và nói tiếng Tây hay sai vận và không được lanh lẹ; song đọc sách hiểu nghĩa, đặt câu và phiên dịch, biết được đại khái. (Sách đã dẫn)

Một trong những tác phẩm cụ Huỳnh để lại cho đời sau.
Một trong những tác phẩm cụ Huỳnh để lại cho đời sau.

Nhờ biết tiếng Pháp nên khi phòng giấy Gardien Chef thiếu người làm việc, Huỳnh Thúc Kháng được bổ vào chân thông dịch, thoát khỏi cái nạn làm xâu việc nặng; mỗi tháng còn được trả công 2, 3 đồng. Bọn Mata, Gardien cũng đối xử với cụ tử tế hơn trước. Mặt khác, nhờ vốn ngoại ngữ, cụ Huỳnh còn có điều kiện tìm hiểu cặn kẽ nền văn hóa và lịch sử nước Pháp.

Sau khi được vào làm ở phòng giấy, một khó khăn lại đến với cụ Huỳnh là ông không biết nghiệp vụ văn phòng, kế toán. Thế nhưng cái khó không bó cái khôn. Một lần nữa tinh thần tự học lại thể hiện sinh động ở người tù chính trị mang số hiệu 7455 này: “Công việc trong phòng giấy, đối với tôi lại là một trường học mới: Lúc mới vào không hiểu gì cả. Nhưng dần dần tìm được mối manh, thấy rõ người Tây về mặt sổ sách, biên chép, số mục thứ lớp, cái gì ra vào cùng ghi ngày tính tháng, có môn loại rành rẽ, nhân đó được môn học thực nghiệm về mặt làm việc tập sự mà có thú, trong đôi ba tháng, đã thành thạo. Phàm phần việc của tôi cho đến sổ sách, đều ghi chép hằng ngày, không có điều gì sai lầm. (…) Những công việc ấy, mấy người làm trước thường dùng ý xoay xở này nọ, sau bị phát lộ, phải bị đuổi, bị phạt. Tôi làm ba năm không hề sai một đồng xu”.

Không chỉ học tiếng Pháp và nghiệp vụ “phòng giấy”, trong thời gian bị lưu đày ở Côn Lôn, cụ Huỳnh còn học nghề buôn bán. Cụ cho hay: “Tôi cùng My Sanh, Tập Xuyên, Thái Sơn, Phong Niên, làm chủ hai tiệm buôn, chuyên việc buôn bán, cùng các nhà buôn Sài Gòn giao thiệp và mua hàng - do ông O.Coonell (quan Tham biện người Pháp cai quản đảo Côn Lôn) giới thiệu - về nghề sổ sách và công việc thương mãi, tôi có biết được đại khái, đó là trường học đầu tiên. Tiệm tôi đầu chỉ có 4 anh em, sau có Thông Thiệp (Bắc Hà) hùn vào... Hiệu tiệm chúng tôi gọi là “Quảng Hồng Hưng”.

Nhờ tiệm bán buôn này mà theo lời cụ Huỳnh “sanh kế của bọn tù ngày càng thấy phát đạt, trong tù có kẻ có vốn trong đãy vài trăm đồng bạc, hoặc trăm, năm bảy chục đồng, ít nữa cũng có 5, 3 đồng, mà nhứt là tụi quan to thì nghiễm nhiên là tụi buôn giàu, ngang hàng với hai tiệm buôn của Khánh Trúc (người Tàu), rõ là cái cảnh tượng “không tiền khoáng hậu ở đảo Côn Lôn”.

Với vốn chữ Tây tự học được ở Côn Lôn, khi được trả tự do, cụ Huỳnh đã khiến quan lại đương thời phải khâm phục và kiêng nể. Trong cuốn “Huỳnh Thúc Kháng tự truyện”, cụ kể: “... Tôi thân hành ra Tòa sứ Hội An cùng sở cảnh sát, lấy danh nghĩa bán đồi mồi, lại nhờ biết được một ít chữ Tây, ứng đối thông thường được, nên trực tiếp không cần thông dịch. Quan lại thấy tôi có cử chỉ thái nhiên, không vẻ khúm núm, lại thường nói chuyện với người Tây, biết không thể lấy hư danh dọa được, nên thái độ khéo léo của họ ngày trước không thò ra được nữa”.

Năm 1927, cụ Huỳnh thành lập Công ty Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng, chuyên ngành in và báo chí. Cũng trong năm đó, cụ ra Báo Tiếng Dân, tòa soạn đặt tại 123 đường Đông Ba (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng), thành phố Huế. Chính kinh nghiệm kinh doanh tích lũy trong 13 năm bị tù đày ở Côn Lôn đã giúp cụ điều hành công ty mang tên mình và làm tròn vai trò Chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Tiếng Dân suốt 16 năm trời (1927 - 1943).

Tiếng Dân số 633 ra ngày 18-10-1933 (với bút danh Sử Bình Tử), cụ chỉ rõ: “Thuở nay những bậc danh nhân trên lịch sử Đông, Tây nào có phải toàn là người gặp cảnh thuận lợi mới làm được công việc vĩ đại đâu! Bên phương Đông ta ngày xưa những kẻ đốn củi, cày ruộng, chăn trâu mà gắng công tự học, sau làm được công nghiệp, tiếng khen muôn đời. Còn như phương Tây, ông Stephenson (người Anh) một tay thợ mỏ, lớn tuổi mới đi học, mình tự học lấy mà làm nhà đại sáng tạo (chế ra máy xe hỏa)... Xem chuyện danh nhân trên thì rõ cái gương tự học, thành hiệu rõ ràng, chỉ tại mình không có chí, tự hạ lấy mình mà thôi. Bằng có lòng kiên nhẫn và quả quyết, thì chẳng có cái gì ngăn đón được một việc mà mình đã muốn làm. Ai người hữu chí gắng lên thay!”.

                                                            Văn Trình - Báo Đà Nẵng