www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chiếc đòn gánh

Mẹ tôi mất đúng vào ngày 20 tháng 10. Nên cứ đến ngày này hằng năm là tôi lại nhớ mẹ đến quay quắt ! Mà nhớ đến mẹ là nhớ đến chiếc đòn gánh đã đi theo mẹ suốt cuộc đời. Nhiều khi thầm nghĩ không biết chiếc đòn gánh có từ bao giờ để con người dùng nó làm công cụ gánh gồng kiếm sống cả đời?. Thường ngày, nhìn ra đồng thấy người gánh lúa, nhìn ra đường thấy người gánh củi, nhìn ra chợ thấy người gánh thuê gánh mướn... Họ gánh cuộc đời đi quanh năm theo từng số phận từ thời này sang thời khác. Gian truân, vất vả khó nghèo!.

Mẹ tôi cũng vậy ! Thời con gái lấy chồng về với cha tôi, mẹ là người phụ nữ tảo tần chịu thương chịu khó lo toan mọi việc trong nhà. Nhà làm nông nên mức thu nhập hàng năm không dư dả gì. Nhiều mùa thu hoạch thất bát không giáp hạt, gia đình thường thiếu ăn nên mẹ phải buôn bán khắp nơi. Hằng ngày, mẹ tôi phải thức dậy từ ba bốn giờ sáng quảy gánh qua tận thác Ồ Ồ, Hòn Nhón bên thôn Thanh Bôi xã Tiên Châu để hái chè thuê. Gánh chè về đến nhà thì trời đã tối mịt rồi đến chỗ mổ heo mua lòng về nấu cháo, sáng hôm sau gánh đi đổi chè, mít, khoai...

Có thứ gì mẹ đổi thứ ấy, rồi lại gánh ra chợ bán. Có lần mẹ quảy đôi gióng đi bộ trên ba chục cây số từ Tiên Phước xuống tận bãi biển Tam Thanh (Tam Kỳ) để mua cá. Mẹ chọn những con cá nục bằng ngón tay trở lên trộn đều với muối rồi cho đầy vào hai cái thùng thiếc loại có nhãn con gà trống. Rồi mẹ lại gánh hai thùng cá muối nặng trĩu đi bộ đến khuya mới về tới nhà. Chợp mắt một lát nghe gà gáy, mẹ thức dậy vội vàng phân ra phần muối làm mắm để ăn trong mùa mưa, phần còn lại những con to cho vào đôi bầu rồi tiếp tục gánh xuống Tiên Châu rao bán từ làng này đến làng khác.

Ngày mùa, mẹ lại gánh lúa, gánh rơm từ ngoài đồng về nhà. Chiếc đòn gánh là bạn tri âm tri kỷ của mẹ, theo mẹ từng bước chân, không mỏi mệt ngừng nghỉ, không lời phàn nàn than vãn. Trời mưa hay nắng, mẹ với chiếc đòn gánh sớm khuya đi về, chắt chiu từng đồng tiền ít ỏi để trang trải mọi thứ trong gia đình, nhất là lo cho tôi ăn học. Đến khi tóc mẹ bạc, lưng mẹ còng, sức mẹ yếu, đôi vai mẹ chùng xuống không còn gánh được nữa thì mẹ đội, mẹ xách, mẹ mang. Nghĩ lại mà thấy thương mẹ vô cùng. Làm sao có thể quên được thân mẹ gầy, chân mẹ yếu nhưng mỗi sáng mẹ lại đội cái mủng, bước đi từng bước chúi người về phía trước theo cái bóng mẹ gầy trải dài trên đường từ nhà lên chợ huyện để kịp bán những bó rau lang, chùm ngô luộc…kiếm được chỉ mấy đồng tiền lẻ cho gia đình.

Giờ anh em tôi đã thành ông thành bà và mẹ tôi đã thành người thiên cổ nhưng không ai có thể quên công ơn biển trời của cha mẹ, không quên được món nợ ân tình từ chiếc đòn gánh một thời, một đời gắn bó thấm đượm mồ hôi nước mắt của mẹ tôi.

                                                                                  Mỹ An - Tiên Kỳ