www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cần sớm sửa chữa, nâng cấp Khu tưởng niệm Cây Cốc - Quảng Nam

Ngã ba Cây Cốc (còn gọi là ngã ba Căm thù) thuộc thôn 4, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam là nơi chứng kiến tội ác tày trời của đế quốc Mỹ và tay sai khi tàn sát hàng trăm đồng bào ta, cũng là nơi thể hiện ý chí quật cường của nhân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ. Một di tích ý nghĩa, mang tầm vóc lịch sử như vậy nhưng tượng đài nơi đây còn quá nhỏ bé, chưa xứng với tầm lịch sử và đang đứng trước nguy cơ bị hoang phế. 

Tiên Phước là vùng đất nổi tiếng có truyền thống yêu nước bậc nhất của xứ Quảng, cũng là nơi phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh. Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn bất chấp, ngang nhiên vi phạm Hiệp định, bắt bớ, tra tấn, giết chết nhiều cán bộ, đảng viên ưu tú của cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ chính quyền huyện, sáng ngày 1/10/1954 đồng bào, cán bộ, đảng viên khắp nơi trong huyện sôi sục khí thế tiến về chợ Cây Cốc, xã Tiên Thọ để đấu tranh trực diện với quân thù đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ. Trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, quân địch đã huy động hàng trăm binh lính dùng xe tăng, lựu đạn, súng máy… thẳng tay xả súng vào đoàn người tay không tấc sắt. Lớp lớp người ngã xuống. Dã man hơn, bọn địch điên cuồng không cho đồng bào ta cứu thương, chữa trị, chôn cất cho người chết. “Đến 3 ngày sau bọn chúng mới cưỡng bức đồng bào ta dùng xe bò chở tử thi và những người bị thương nặng đổ xuống các hầm trú ẩn, giao thông hào tại thôn 3 xã Tiên Thọ, biến những nơi này thành hố chôn tập thể. Man rợ nhất chính là việc những người bị cưỡng bức đi khiêng xác người chết cũng bị chúng đẩy xuống hố để chôn chung với những người đã chết. Đó là hành động tội ác cho đến giờ tôi vẫn bị ám ảnh…” - ông Trần Phú Xuân, 80 tuổi, lúc đó là Bí thư Chi bộ thôn 4, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước trực tiếp lãnh đạo bà con đấu tranh, nhớ lại.

Trong cuộc đấu tranh này, đã có hơn 400 đồng bào, chiến sỹ kiên trung hy sinh. Những mất mát, đau thương trong cuộc đấu tranh Cây Cốc đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của quân và dân nơi đây, đồng thời thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ trên toàn miền Nam, góp phần đưa cách mạng miền Nam đi đến ngày thắng lợi, non sông thu về một mối.

Năm 1980, để tưởng niệm, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương đã quy hoạch đất - nơi đã xảy ra vụ đàn áp đẫm máu để xây dựng lên một ngôi mộ tập thể, làm chứng tích tố cáo tội ác của kẻ thù, đồng thời khắc ghi tinh thần trung dũng, kiên cường của những người đã ngã xuống. Đài tưởng niệm ngã ba Cây Cốc đứng sừng sững ở đó hơn 30 năm nay như một minh chứng hào hùng cho quá khứ. Thời gian cũng đã hằn in trên từng chi tiết của tượng đài. Là một di tích lịch sử cấp tỉnh nhưng tượng đài Cây Cốc đang bị thời gian bào mòn, đứng trước nguy cơ bị hoang phế. Khuôn viên tượng đài gần như bị hư hỏng, có chỗ các mảng bê tông của tường rào đã bị bong hết, chỉ còn trơ lại cốt sắt. Khối tượng đài chính nhiều chỗ cũng bị rạn nứt, các bức phù điêu dưới chân tượng đài do mưa gió lâu ngày cũng bị rêu bám rừng lớp dày, nền tượng đài có nơi bị sụt lún…

Anh Lâm Kim Sơn, 42 tuổi, là người dân sống gần Khu tưởng niệm chia sẻ: Ngay từ nhỏ chúng tôi đã được nghe về lịch sử hào hùng của lớp người đi trước, tượng đài ngã ba Cây Cốc vẫn là một hình tượng đấu tranh bất khuất. Cứ mỗi khi đến ngày mồng một, ngày rằm hay lễ lạt, chúng tôi vẫn dọn dẹp vệ sinh và thắp hương cho những người đã khuất. Nhưng hiện nay, tượng đài đã cũ rồi, có nơi còn bị nứt, lún, sập đổ… Người dân tha thiết mong tượng đài được nâng cấp khang trang, rộng rãi hơn để có thể thường xuyên chăm sóc, thăm viếng cho những hương hồn đã khuất. Đó là một biểu tượng cho tinh thần dân tộc bất khuất của nhân dân Tiên Phước, rất đáng được vinh danh xứng tầm lịch sử.

Lãnh đạo và nhân dân huyện huyện Tiên Phước cũng mong mỏi sửa chữa, nâng cấp Khu tưởng niệm để làm nơi ghi nhớ chứng tích chiến tranh, tri ân những thế hệ đi trước ngã xuống vì sự thống nhất của nước nhà và là “điểm son” để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng. Mới đây, chính quyền huyện Tiên Phước đã có tờ trình đề nghị kinh phí đầu tư nâng cấp tượng đài gửi UBND tỉnh, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội. Theo đó, Khu tưởng niệm, tượng đài sẽ được mở rộng từ 500m2 như hiện nay ra thành 4000 m2 với đầy đủ các hạng mục cụ thể tương ứng với tầm vóc của di tích, tạo ra một quần thể Tượng đài – Công viên, là điểm nhấn cho các tuyến đường đi đến các xã có truyền thống đấu tranh anh dũng như Tiên Thọ - Tiên Lập và đường lên trung tâm huyện.

Ông Phùng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: Tất cả những người dân ở trong khu vực sẽ giải tỏa để xây dựng đã sẵn sàng di dời nhằm tập trung cho mục tiêu chung. Huyện cũng đã bố trí sẵn đất để tổ chức tái định cư cho những hộ dân này. Khi được huyện phổ biến về những chủ trương nâng cấp, cải tạo Khu tưởng niệm sắp tới, người dân rất hồ hởi, trông ngóng và mong muốn thiết tha tượng đài được xây dựng.

Thiết nghĩ, với một di tích mang tầm lịch sử và ý nghĩa giáo dục to lớn như Khu tưởng niệm Cây Cốc, các cấp chính quyền cũng như ban ngành chức năng cần sớm có biện pháp cải tạo, nâng cấp Khu tưởng niệm này để Khu tưởng niệm xứng tầm lịch sử.

Theo TTXVN