www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Căn cứ địa Sơn - Cẩm - Hà

Ngay sau khi được hoàn toàn giải phóng, người dân Sơn - Cẩm - Hà tích cực tham gia xây dựng chính quyền cách mạng, chuẩn bị sẵn sàng cho công cuộc chống Mỹ, cứu nước đầy gian nan ác liệt.

Ông Lưu Văn Chính - người trực tiếp tham gia chiến dịch Vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà vào 25.9.1962 kể cho tôi nghe về những năm tháng ấy khi hai chú cháu đèo nhau bằng xe máy về vùng quê này sưu tầm tư liệu về liệt sĩ Nguyễn Có (Xã đội trưởng du kích Tiên Hà, đã anh dũng hy sinh tại nhà tù Phú Quốc). Lúc bấy giờ ông Lưu Văn Chính nhận nhiệm vụ giúp địa phương phát triển lực lượng du kích và các tổ chức cơ sở đảng nhằm xây dựng Sơn Cẩm Hà thành căn cứ địa cách mạng vững chắc để Tỉnh ủy Quảng Nam đặt “đại bản doanh” lãnh đạo phong trào cách mạng. Là Bí thư Chi bộ kiêm Đội trưởng Đội công tác Tiên Hà, ông Lưu Văn Chính đã gắn bó vùng quê nằm về phía tây bắc huyện Tiên Phước từ đấy. Ngày ấy, người dân Sơn - Cẩm - Hà rất tích cực tham gia công tác cách mạng. Họ đã trải qua những năm tháng đen tối nhất dưới thời Quốc dân đảng chiếm đóng rồi chính quyền Ngô Đình Diệm dồn dân lập ấp, thực hiện chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” với phương châm “thà giết lầm hơn bỏ sót”. Chính vì vậy, ngay sau khi được giải phóng, họ đồng tâm hiệp lực đứng lên chiến đấu chống lại kẻ thù chung.

                       

Ông Lưu Văn Chính ( đội mũ cối) và các đồng đội cũ thăm lại chiến khu xưa Sơn Cẩm Hà

Xây dựng Sơn - Cẩm - Hà thành căn cứ địa cách mạng vững chắc, nhất thiết phải dựa vào dân để hình thành thế trận “hai chân ba mũi giáp công”. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả ba xã đều đã thành lập được đội du kích. Theo ông Lưu Văn Chính, hai xã Tiên Sơn và Tiên Cẩm đã có chi bộ đảng và lực lượng du kích xã thôn trên 150 tay súng. Riêng xã Tiên Hà có nhiều nữ thanh niên hăng hái tham gia đánh giặc giữ làng nên có 5 tiểu đội du kích thôn, 1 trung đội du kích xã. Lực lượng du kích Sơn - Cẩm - Hà đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và củng cố các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, nông hội... Bà Năm Như và bà Tư Công ở xã Tiên Hà là những người tham gia công tác xã ngay sau khi được giải phóng vẫn nhớ như in khí thế cách mạng của một giai đoạn lịch sử không thể nào quên ở địa phương. Nam nữ thanh niên sức dài vai rộng đều xung phong đi bộ đội huyện và tỉnh. Những người thấp bé nhẹ cân ở nhà tham gia du kích xã thôn, vừa đánh giặc giữ làng, vừa lao động sản xuất, tích cốc phòng cơ chuẩn bị cho cuộc chống Mỹ, cứu nước, đầy gian nan ác liệt. Ông Chín Bình ở xã Tiên Hà bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy, tôi tham gia công tác địa phương một thời gian ngắn rồi đi bộ đội huyện, quanh năm suốt tháng hết quần nhau với ngụy lại đánh nhau với Mỹ”.

             

Văn nghệ kỷ niệm 50 năm "Vượt sông Tiên giải phóng Sơn Cẩm Hà" tại xã Tiên Hà đêm 23/09/2012

Khi xã Tiên Sơn tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1995), ông Vũ Trọng Hoàng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương và ông Lê Hải Lý - nguyên Tỉnh đội phó Quảng Nam về tham dự lễ. Tôi theo hai ông đi thăm một số gia đình cách mạng, gia đình kháng chiến ở xã Tiên Sơn và được hai ông kể cho nghe về những năm tháng ấy. Lúc bấy giờ Tỉnh ủy Quảng Nam và các cơ quan Dân Chính Đảng đóng ở vùng giải phóng Tứ Mỹ - Kỳ Sanh (Núi Thành). Đấy là khu vực rừng núi cách quốc lộ 1A không xa, rất dễ bị động khi Mỹ ngụy bất ngờ đổ quân càn quét. Vì vậy, vùng Sơn - Cẩm - Hà được giải phóng, Tỉnh ủy Quảng Nam và các cơ quan Dân Chính Đảng nhanh chóng chuyển về đặt “đại bản doanh” ở đấy. Bởi Sơn - Cẩm - Hà có một vị thế chiến lược hết sức quan trọng. Từ đây, rút lên vùng giải phóng Tiên Lãnh đến chiến khu Trà My khá dễ dàng, đồng thời tỏa ra vùng trung du đồng bằng của tỉnh như Hiệp Đức, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ... cũng rất thuận lợi. Công và thủ ta đều ở thế thượng phong. Hơn nữa, Sơn - Cẩm - Hà là vùng quê giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, người dân nơi đây luôn một lòng thủy chung son sắt với Đảng với Bác Hồ.

Mất địa bàn chiến lược, nhất định địch sẽ phản công tái chiếm, đó là điều ta đã tiên liệu. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển lực lượng du kích là nhiệm vụ hàng đầu. Chẳng bao lâu sau, địch điều quân từ Tam Kỳ và Tiên Phước tấn công vào căn cứ địa. Du kích Sơn - Cẩm - Hà đã phối hợp với bộ đội chặn đánh phủ đầu, bị thua đau, chúng buộc phải rút về. Ông Sáu Minh - nguyên Xã đội phó du kích Tiên Hà nhớ lại: “Sau những trận càn quét bị ta bẻ gãy, địch dốc sức mở chiến dịch “Bình Châu dân chiến” huy động cả trung đoàn quân chủ lực có pháo tầm xa và máy bay yểm trợ đánh thẳng vào căn cứ địa cách mạng. Suốt mấy tháng trời giao tranh quyết liệt, địch bị thiệt hại nặng nề về sinh lực, buộc phải thoái lui”. Khi Mỹ nhảy vào miền Nam, chúng đổ quân càn quét vùng Sơn - Cẩm - Hà. Đó là thời điểm cuối tháng 2.1966. Cũng như những lần trước, du kích Sơn - Cẩm - Hà đã phối hợp với bộ đội “bám thắt lưng Mỹ mà đánh”. Lúc bấy giờ, các ông Nguyễn Có và Sáu Minh chỉ huy hơn 60 du kích hợp đồng tác chiến với Công trường 31 vây đánh Mỹ tại khu vực Đá Sọc, Dương Bàn. Quân Mỹ cơ động nhanh nhờ máy bay lên thẳng. Còn ta có lợi thế là nắm rõ địa hình địa vật để mai phục, tấn công chớp nhoáng. Sau 72 giờ giao tranh, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu một tiểu đoàn “mắt xanh mũi lõ” khiến chúng vội vàng rút khỏi căn cứ địa cách mạng được mệnh danh là “vùng đất thánh”.

          

                    Một sáng tác kỷ niệm 50 năm của hai bạn trẻ giáo viên trường tiểu học Tiên Cẩm

Suốt những năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, Sơn - Cẩm - Hà vẫn luôn là vùng giải phóng “bất khả xâm phạm” là nhờ có lực lượng du kích ngoan cường  và người dân nơi đây kiên gan bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”. Họ vừa chiến đấu vừa nuôi giấu chở che cơ quan Tỉnh ủy và bộ đội đứng chân trên địa bàn. Kết thúc công cuộc chống Mỹ, cả 3 xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm và Tiên Hà đều được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông Nguyễn Có ngoan cường chiến đấu, bị trọng thương, địch bắt đưa ra giam tại nhà tù Phú Quốc. Tại đây, kẻ thù đã tra tấn bằng cách đóng vào thân thể cả chục cây đinh mười nhưng ông thà chết chứ không đầu hàng giặc. Ông được truy tặng liệt sĩ. Và năm nay, ông được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

NGUYỄN ĐÔNG AN - BÁO QUẢNG NAM