www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cử nhân 8X làm giàu nhờ nuôi “con hiếm có, khó tìm”

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nội vụ cơ sở Đà Nẵng, trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng không mấy hiệu quả, chị Phan Thị Thủy (SN 1988) đã quyết định thử sức với nghề nuôi con dúi “đặc sản”.

 Bằng sự nỗ lực, dám nghĩ dám làm của mình nên hiện trang trại của vợ chồng chị đã dần mở rộng quy mô, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

 

Trang trại nuôi dúi của cử nhân 8X ở Quảng Nam

 

 Chị Phan Thị Thủy đang thành công mới mô hình nuôi dúi hiệu quả và cho kinh tế cao

Tốt nghiệp Đại học từ năm 2012, từ bỏ công việc hành chính ổn định tại quê nhà Nghệ An, chị Thủy theo chồng về quê tại thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước, Quảng Nam).

Tại xứ người, để tìm một công việc ổn định khá khó khăn, nhất là với vùng đồi núi như huyện Tiên Phước. Bên cạnh phụ giúp chồng, chị Thủy cũng suy nghĩ nhiều hướng đi nhưng sau một thời gian không mấy hiệu quả. 

 

Trang trại nuôi dúi của cử nhân 8X ở Quảng Nam

Dúi đang được xem là “đặc sản”, thị trường rộng mở và nguồn thức ăn tự nhiên dễ tìm

Năm 2016, trong một lần tình cờ xem báo thấy mô hình nuôi dúi khá mới mẻ, đầu ra đang mở rộng và khan hiếm thị trường, chị bàn với chồng là anh Thái Văn Xuyên đầu tư gần 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và thả thử nghiệm 20 cặp dúi.

Tuy nhiên, khi dúi đang phát triển tốt và cho thu nhập thì trận lũ năm 2017 đã cuốn trôi tất cả khiến vợ chồng chị lâm vào cảnh trắng tay. 

 

Trang trại nuôi dúi của cử nhân 8X ở Quảng Nam

Dúi thương phẩm có giá dao động từ 500-600 ngàn/kg; dúi giống F1 chất lượng tốt có giá từ 1,3-1,5 triệu đồng/cặp, hiện đang được thị trường phía Bắc và Nam ưa chuộng

Không nản lòng, đầu năm 2018 chị đầu tư chuồng trại mới nuôi dúi với quy mô lớn. Khu vườn nhà rộng 6.000m², chị cho rào chắn xung quanh bằng lưới B40, xây dựng chuồng trại để nuôi hơn 600 con dúi và các loại chồn hương, don. Một phần diện tích đất vợ chồng dùng trồng mía, tre, nứa, tỉa bắp để làm thức ăn cho vật nuôi.

Theo chị Thủy, nhờ nghiên cứu kỹ thuật, tìm tòi từ internet, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước và quan trọng là những kiến thức mình tích lũy được trong thực tế chăn nuôi nên dúi phát triển tốt, không nhiễm các loại dịch bệnh. 

 

Trang trại nuôi dúi của cử nhân 8X ở Quảng Nam

Trang trại nuôi dúi của cử nhân 8X ở Quảng Nam

 

Kỹ thuật nuôi được chị Thủy học hỏi từ nhiều nơi, và đặc biệt là những kinh nghiệm đúc kết từ quá trình chăm sóc

Nói về kỹ thuật nuôi dúi, chị Thủy cho biết: Chuồng nuôi dúi thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích, 100m2 có thể nuôi được 400 con dúi. Chuồng có thể xây hoặc đổ tấm bê tông gắn lại với nhau theo kích thước cao 60cm, rộng 50 cm và dài 50 cm. Tuy nhiên, chuồng phải kín gió, nên bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.

Thức ăn của dúi gồm tre, hạt ngô, thân mía, mỗi ngày chỉ cho ăn một lần vào chiều tối. Theo kinh nghiệm của anh Thái Văn Xuyên – chồng chị Thủy, không nên cho dúi ăn quá nhiều khiến con vật tích lũy quá nhiều mỡ. 

 

Trang trại nuôi dúi của cử nhân 8X ở Quảng Nam

Sau khi thành công và mang lại hiệu quả, vợ chồng chị quyết định chuyển giao kỹ thuật và tìm đầu ra cho những trang trại hợp tác với mình ở nhiều tỉnh thành. Hiện, trang trại của anh chị được xem là mô hình chăn nuôi tiên tiến của huyện

Đặc điểm của loài dúi là không cần uống nước, lượng chất thải ra ít và khô nên thường 15-17 ngày mới phải dọn chuồng một lần. Dúi chịu lạnh tốt, mùa hè có thể phun sương trên mái che tạo nhiệt độ dưới 33 độ C để dúi sinh trưởng, phát triển tốt. 

Về quá trình sinh trưởng, khi nuôi được 6-7 tháng là thời điểm dúi phát dục, cần ghép đôi để dúi giao phối. Qua theo dõi, nếu hai cá thể không xung đột thì ghép đôi với nhau. Sau 15 ngày tách đôi để dúi cái dưỡng thai và sinh sản. Khi dúi sinh sản được một tháng thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm.

Mỗi năm dúi sinh sản 4 lứa, mỗi lứa 2-5 con. Dúi giống sau 3 tháng xuất chuồng có thể đạt 500-700 gram; dúi thương phẩm nuôi 7 tháng có thể xuất chuồng, có thể đạt trọng lượng 1,5-2 kg.

Theo giá bán, dúi thương phẩm có giá dao động từ 500-600 ngàn/kg; dúi giống F1 chất lượng tốt có giá từ 1,3-1,5 triệu đồng/cặp. Dúi tại trang trại xuất đi rất nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Nghệ An...

Hiện trang trại vợ chồng chị Thủy đã phát triển tổng đàn dúi lên đến gần 2.000 con các loại gồm dúi giống và dúi thương phẩm. Dự kiến đến năm 2020, vợ chồng chị Thủy sẽ cho phát triển lên 4.000 con và xây dựng thêm trang trại tại Nghệ An (quê nhà của chị Phan Thị Thủy).

Khi số lượng đàn dúi ngày một phát triển, có đầu ra ổn định và cho thu nhập cao, vợ chồng chị quyết định chuyển giao kỹ thuật và tìm đầu ra cho những trang trại hợp tác với mình ở nhiều tỉnh thành.

Chị Thủy chia sẻ: “Con dúi thuộc diện đặc sản, thị trường dúi thương phẩm hiện nay cung chưa đủ cầu. Vợ chồng tôi đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều nhà hàng, khách sạn tại nhiều địa phương; đồng thời trang trại còn là nơi cung cấp dúi giống chất lượng cao cho các trại dúi trong và ngoài tỉnh Quảng Nam. Hơn nữa, trong số các đối tượng vật nuôi đặc sản thì dúi là con vật dễ nuôi, thức ăn sẵn có trong tự nhiên, cho hiệu quả kinh tế cao và thị trường ít rơi vào tình trạng bão hòa”.

Với sự dám nghĩ dám làm của mình, vợ chồng anh Xuyên và chị Thủy đã xây dựng được một trang trại “đặc sản” quy mô tại địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Mô hình của anh chị đã được nhiều đoàn đến học hỏi, tham quan. Bên cạnh đó, trại dúi của vợ chồng chị Thủy còn được huyện Tiên Phước chọn là mô hình trang trại hiệu quả của huyện.

                                                      C.Bính - N.Linh, Báo Dân Trí