www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Biểu tượng của lòng yêu nước

Tượng đài Cây Cốc là biểu tượng cho cuộc đấu tranh của lòng dân. Những ngày này, hình ảnh những dòng người kéo nhau đến Cây Cốc đòi dân quyền, dân chủ, dân sinh từ 65 năm trước luôn được nhắc đến.

Đã mấy chục năm kể từ ngày ông Nguyễn Đình Thảo (79 tuổi, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước) chứng kiến cảnh cha bị bắt tại Cây Cốc. Ngược về ký ức, ông Thảo nhớ hồi đó ông là cậu bé 15 tuổi, cha là ông Nguyễn Thông lúc đó làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính xã Tiên Thọ.

Ông Thảo kể: “Tôi nhớ rõ, hơn 1 giờ chiều ngày 27.9.1954, cha tôi bị một tên tay sai của giặc đến nhà bắt. Tôi chạy theo cha, đến chợ Cây Cốc la làng lên cho bà con biết, rồi bà con cùng kéo đến nhà tên này đòi thả người. Người kéo đến mỗi lúc một đông, đấu tranh suốt đêm, đến trưa hôm sau bọn chúng phải thả cha tôi ra. Về nhà, cha tôi lại đi Cẩm Khê làm công việc chi đó của cách mạng. Đến 29.9 cha tôi trở về thì bị bắt lần nữa. Lúc này, anh chị em tôi cùng với rất đông bà con nhân dân tiếp tục đấu tranh đòi thả người. Tôi nhớ hồi đó người đi rất đông, người kéo đến khắp các ngã đường, đi đến lúc mô không đi được nữa mới dừng”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng và lãnh đạo sở ngành, huyện Tiên Phước viếng hương tại Tượng đài Cây Cốc nhân Ngày Thương binh - liệt sĩ 27.7. Ảnh: D.L
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng và lãnh đạo sở ngành, huyện Tiên Phước viếng hương tại Tượng đài Cây Cốc nhân Ngày Thương binh - liệt sĩ 27.7. Ảnh: D.L

Sức mạnh lòng dân

Theo lịch sử ghi lại về cuộc đấu tranh Cây Cốc, khi được tin đồng chí Nguyễn Thông bị bắt, các đồng chí Nguyễn Quốc, Thái Châu chỉ đạo các chi bộ bí mật của xã Tiên Thọ huy động quần chúng nhân dân tại chỗ kéo đến đấu tranh. Trước làn sóng căm phẫn của đồng bào, bọn địch buộc phải đứng ra xin lỗi, nhưng đồng bào tấn tới đòi địch phải ký vào biên bản cam kết. Huyện ủy đang họp tại xã Tiên Lộc đã cử các đồng chí Nguyễn Hào, Hồ Cột đến tận nơi vận động quần chúng giải tán để tránh xảy ra tổn thất. Chủ trương sáng suốt đó được một số quần chúng nhân dân đồng tình và tự phân tán ra về.

Nhưng sau đó, hàng nghìn người dân khu vực Tiên Thọ nghe thông tin chậm, nên tiếp tục kéo đến đấu tranh phản đối địch bắt giam người. Mỗi người trên tay cầm cây đèn gió; nhân dân khu vực Tiên Thọ và chợ Cây Cốc nấu cơm, nước, đem dầu lửa để tiếp tế đoàn người, khí thế bừng bừng.

Đến 9 giờ sáng 29.9.1954, như thường lệ đông chợ tại Cây Cốc, một số người dân từ Quế Sơn, Tam Kỳ, Quảng Ngãi lên chợ Cây Cốc để buôn bán, nghe thông tin địch bắt giam, đàn áp nên họ tập hợp, nổi trống mõ kêu gọi đồng bào quanh chợ Cây Cốc cùng đi đấu tranh.

Các đồng chí Nguyễn Thành, Hồ Cột được Huyện ủy phân công xuống Tiên Thọ, khoảng 10 giờ ngày 29.9.1954 vừa đến Cầu Vôi. Lúc này 3 chiếc máy bay khu trục của quân đội Pháp quần lượn trên bầu trời, địch đã ban hành mệnh lệnh đàn áp, liền sau đó lính của Tiểu đoàn Bảo an 601 của địch nổ súng vào nhân dân, đồng chí Hồ Cột trúng đạn bị thương, đồng đội đưa đồng chí Hồ Cột về phía sau băng bó. Đồng chí Nguyễn Thành nhanh chóng lách sang bên kia cầu Vôi đến nhà đồng chí Thái Châu trụ lại để chỉ đạo. Lúc này trên bầu trời máy bay gầm rú, dưới đất xe tăng từ phía Tam Kỳ kéo lên Tiên Thọ, lính bộ binh của quân Liên hiệp Pháp nổ súng liên thanh vào lực lượng quần chúng nhân dân, người chết, người bị thương nằm la liệt tại khu chợ Cây Cốc. Hơn 330 đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh này.

Biểu tượng của lòng yêu nước

Nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước - Lưu Văn Chính cho rằng, cuộc đấu tranh Cây Cốc đặt ra bài học trong thời hiện đại là phải biết địch biết ta mới lãnh đạo được nhân dân đấu tranh đúng theo con đường cách mạng có lợi cho ta. Sự chỉ đạo của ta trong cuộc đấu tranh Cây Cốc đã gặp lúng túng. Vì vậy cần biết được thế trận lòng dân để lãnh đạo, chỉ đạo mọi công tác sát đúng hơn trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Theo ông Dương Văn Xuân - nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Phước, mặc dù Huyện ủy đã kịp thời chỉ đạo với phương châm đấu tranh “có lý, có lợi, có chừng mực, khi đã đạt được mục tiêu đấu tranh thì phải dừng lại để bảo toàn lực lượng”, nhưng đã không thể ngăn được vì khí thế của lòng dân. Quy mô của cuộc đấu tranh đã vượt qua khoảng cách địa lý, khẳng định sức mạnh của lòng dân là vô cùng to lớn, mang tầm vóc lịch sử vô cùng quan trọng đòi bọn địch phải thi hành nghiêm túc Hiệp định Giơnevơ. Đây là đỉnh điểm của lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân Tiên Phước nói riêng và người dân yêu nước nói chung. Cuộc đấu tranh Cây Cốc xứng đáng trở thành một biểu tượng của tinh thần yêu nước, của nhân dân yêu chuộng hòa bình.

Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Điều đáng quan tâm là dưới chân Tượng đài Cây Cốc vẫn còn rất nhiều hài cốt của đồng bào, đồng chí chưa được khai quật, đó cũng là trăn trở của bao thế hệ cán bộ, nhân dân Tiên Phước sau 65 năm sau cuộc đấu tranh và hơn 45 năm giải phóng quê hương. Hôm nay, Tượng đài Cây Cốc đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, huyện sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn vốn để tôn tạo, nâng cấp Tượng đài Cây Cốc thành nơi tưởng niệm xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí, đồng bào; đó có lẽ là sự ghi nhận ý nghĩa nhất.

                                                          Diễm Lệ - Báo Quảng Nam