www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Báu vật bị bỏ phí

Các kiến trúc sư là những chuyên gia về lĩnh vực nghiên cứu, trùng tu và bảo tồn nhà cổ đang làm việc cho tổ chức JICA (Nhật Bản) đã lấy làm tiếc vì sự bỏ phí các ngôi nhà cổ của làng Lộc Yên, thuộc huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Họ cho rằng, 'các bạn đang cất giữ một kho báu của cha ông, nếu không biết cách bảo quản, sử dụng, sẽ rất uổng phí'.

 Cả huyện Tiên Phước có 17 ngôi nhà cổ được khảo sát lập hồ sơ, riêng làng Lộc Yên đã có 10 nhà. Trong đó có nhà đã có tuổi thọ trên 200 năm. Những ngôi nhà cổ ở làng Lộc Yên được tạo tác và dựng nên bởi sự kết hợp của đôi bàn tay tài hoa của phường thợ Văn Hà (huyện Phú Ninh) và Kim Bồng (Hội An). Nhà được làm bằng gỗ mít, xây dựng theo kiểu "ăn chắc mặc bền", vừa làm chỗ ở, thờ cúng, vừa có nhà phụ để làm bếp, chỗ ăn nghỉ, để nông cụ sản xuất, lương thực lại vừa có sân phơi, vườn cây ăn trái.

Những ngõ làng Lộc Yên quanh co theo triền núi với những hàng cau cao vút lên trời xanh, những thửa ruộng lúa xanh rờn, những còn đường lát đá dẫn lên các nhà cổ rợp bóng cây xanh, những khuôn viên nhà vườn mát mẻ và đặc biệt là những người dân quê thuần hậu, chất phác, thật thà mến khách.

Bau vat bi bo phi - Anh 1

 Làng cổ Lộc Yên hiện còn 4 ngôi nhà cổ được bảo tồn khá nguyên vẹn. Gọi là "nguyên vẹn" nhưng trên thực tế nó đã không còn "nguyên mẫu" như trước. Các ngôi nhà cổ đã thay mái lá bằng mái ngói; mái đất (theo phong cách nhà mái lá - hai tầng mái: mái lợp lá (tranh) chống mưa nắng ở bên trên, mái bằng đất bên dưới để chống nóng vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông và có chức năng bảo vệ cấu kiện gỗ khi hỏa hoạn xảy ra) vì thế cũng bị đập bỏ; tường xây đá chắp vá. Và đáng lo nhất là có nhà cổ gần như bỏ hoang, không ai trông coi, vì chủ nhân của nó mải tìm kế mưu sinh nơi khác.

Ông Trần Khiêm (77 tuổi), là chủ nhân của ngôi nhà cổ còn giữ được mái đất và tường đất, cho biết: “Việc giữ gìn ngôi nhà cổ như nguyên vẹn là rất khó. Đã có người dạm hỏi mua gần 300 triệu đồng nhưng ông không bán. Ngôi nhà còn là truyền thống gia phong, nó không tính giá trị bằng tiền”.

Mỗi ngôi nhà cổ còn khá nguyên vẹn như ở làng Lộc Yên, được những người buôn nhà cổ trả mua đến hàng trăm triệu đồng. Rất may là chủ nhân của nó chưa bán. Nếu như không sớm trùng tu, bảo tồn, nâng cấp... thì với tốc độ xuống cấp như hiện nay, chẳng bao lâu nữa các ngôi nhà cổ sẽ đổ ập.

Đề tài khoa học "Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa quần thể nhà cổ tại làng Lộc Yên" do UBND huyện Tiên Phước phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản - Di tích Quảng Nam đã đánh giá nghiệm thu và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, dự án để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa quần thể nhà cổ Lộc Yên còn phụ thuộc vào kinh phí, thời gian, sự phối hợp giữa các ngành hữu quan cùng nhiều vấn đề liên quan khác?

                                               Thượng Hỷ - Thời Báo Ngân Hàng