www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Bẫy...cọp ở Tiên Phước xưa

 “Hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, đất Tiên Phước, Quảng Nam, cọp nhiều lắm. Chuyện cọp vào làng rình bắt trâu bò là chuyện như cơm bữa. Nhưng, bắt trâu bò còn đỡ, cọp bắt cả người nữa..”. Ông Huỳnh Toản, sinh năm 1917, cháu ruột cụ Huỳnh Thúc Kháng, người làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, nhớ lại.

     Về chuyện cọp, ông Huỳnh Toản lại có kỷ niệm khó quên. Nguyên vào khoảng năm 1935, ông cùng với các ông Nguyễn Ngọc, Nguyễn Chước, Nguyễn Nhàn rủ nhau lên tận hòn É, giáp với địa phận huyện Quế Sơn, đi “soi” nai. Họ mang theo 3 khẩu súng. Súng nhà có mà súng mượn cũng có. Khi đi, bà già ông gói một gói xôi thật to, tám chín người ăn không hết. “Nhà tui lúc đó khá lắm. Ông già tui làm chánh tổng mà!”. Ông Huỳnh Toản kể. Ngày đi thì chiều đến nơi. Họ rất mừng vì thấy chỗ đó nai xuống ăn cây có chớm hết. Sau khi xuống hố nước, họ nằm im, chờ đợi. Lúc đó, trời đã chạng vạng tối. Không khí núi rừng vắng vẻ đến lạnh người. “Chúng tôi chỉ một người cầm đuốc. Khi gặp nai, nó sẽ nhìn theo ánh đuốc, khi ấy, chúng tôi sẽ nổ súng. Bỗng, không hẹn mà cả bốn người thấy phía xa xa hình như có bóng dáng cọp.Rồi, tiếp sau, lại nghe tiếng nó gầm ghê lắm, rung chuyển cả khu rừng chứ chẳng chơi. Chúng tôi sảng, mới tắt hết đuốc. Mà, không hiểu răng, cọp thấy đuốc, thấy đèn gầm càng dữ. Rồi, chẳng ai bảo ai, cả bốn người bình tĩnh đi. Cứ đi lần lần. May là cọp không đuổi”.

 
             
                                                      Bẫy cọp hồi xưa
  Cũng ở Tiên Phước có ngọn núi gọi là núi Sơn Ve. Ngay chính người bản địa thấy nó không cao nhưng nghe nói hồi xưa thuyền buồm ở biển cứ ngó núi Sơn Ve mà đi Nghĩa là lấy đó làm chuẩn. Thấy Sơn Ve là thấy mạn Tiên Phước. “Tui nghe kể nhưng chẳng biết có đúng hay không. Hơn thế nữa, Tiên Phước quá xa biển…”. Ông Huỳnh Toản cho biết. Sơn Ve cũng là ngọn núi cọp hay xuống. Các bậc cao niên ở Tiên Phước vẫn nhớ như in những năm 1945, 1946, từ mạn núi Sơn Ve cọp còn xuống bắt heo, bắt trâu ăn thịt. Thế cho nên, để đối phó với cọp, ngoài việc tổ chức hội vây, người dân Tiên Phước còn đặt kẹp hay làm bẫy bẫy cọp. Tại làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, Chánh tổng tổng Tiên Giang là Huỳnh Khiêm là người bỏ công đến tận làng Lỗ Gián, huyện Quế Sơn đặt làm kẹp nhử cọp. “Kẹp cọp rất nặng, không dưới 50 ký, phải hai người khiêng. Rứa mà đụng mấy con cọp to như còn bò thì kẹp chẳng nhằm nhò chi. Nó có thể rê đi vài cây số. Cho nên, khi gài, người tá phải buộc nó vào một gốc cây cho chắc ăn. Cọp lớn cớ mô cũng khó có sức lôi kẹp và… cả gốc cây đi”. Ông Huỳnh Toản kể.
                     
                                             Cọp lẻn vào làng
   Sở dĩ cọp thường mắc kẹp là do chúng có thói quen nếu ăn chưa hết mồi thì chúng giấu vào nơi nào đó, đợi lúc đói mò đến mà ăn. Do đó, không gài thì thôi, đã gài, gần như chắc chắn cọp dính bẫy. Có lần, chánh tổng Tiên Giang Huỳnh Khiêm được tin có con cọp về bắt trâu ở Trà Khân, nay thuộc xã Tiên Hiệp. Chánh tổng liền cho người khiêng kẹp vào đúng ngay chỗ cọp để phần thân con trâu còn sót lại để gài. Như thường lệ, sau khi đóng cây nọc sắt dài hơn thước tây xuống đất, ông cột cây nọc vào gốc cây bên cạnh. Gài xong, ông về, đợi tin. Nhưng, ba ngày sau vẫn chưa nghe người ta báo lại. Chánh tổng Huỳnh Khiêm bèn mượn cây súng của ông Lại Khánh. Ông này làm chức Đề lại, đã về hưu, có cây súng.
  Khi đến Trà Khân, ông mới cùng gia chủ và bảy, tám người cùng thôn vào tận nơi xem thứ tình hình ra sao. Lúc vào, thấy mọi chuyện bình thường.. Nhưng lúc ra thì bị cọp “hù”. Gọi “hù” là gọi thế thôi chứ thật ra cọp vừa gầm vừa nhảy tới, định vồ người nhưng chân vướng kẹp, vướng nọc sắt lẫn… gốc cây cột vào nọc nên không thể thực hiện được ý định. Nghe tiếng gầm, mọi người mặt cắt không còn hạt máu, theo phản xạ tự nhiên phải lùi lại. Hoá ra, con cọp này to đến mức dù đã bị mắc kẹp, nó còn đủ sức lôi kẹp lẫn nọc sắt, rồi lôi luôn cả gốc cây cột vào nọc mà đi cách chỗ gài kẹp khoảng cây số đường núi. Lúc này, mọi người mới hoàn hồn. Chánh tổng Tiên Giang Huỳnh Kiêm bình tĩnh giương súng, bắn hạ. Thông thường, những con cọp lớn nhất cũng chỉ năm đòn khiêng, tức mười người. Riêng con cọp này, phải mười hai người, tức sáu đòn khiêng. Họ khiêng từ Trà Khân về đến làng Thạnh Bình. Ông Bùi Ký, lý trưởng làng thấy cọp to quá, mới sai người đóng 4 cây nọc tre xuống đất, “dựng” cọp lên đo thử dài đến đâu. Khi dựng, xem con cọp chẳng khác chi con trâu, tính ra đến 12 thước mộc. Khủng khiếp thật!
Còn nhớ năm nọ, ở làng Gia Quế, một làng nhỏ chỉ có 32 nóc nhà, nằm trên địa bàn nay là xã Dương Yên, huyện Tiên Phước, cũng xảy ra chuyện cọp về lẻn bắt trâu của dân. Được dân báo, ông Xã Kiên mới lặn lội đến nhà Chánh tổng Huỳnh Khiêm mượn kẹp gài cọp. Biết ông này không rành, Chánh tổng căn dặn kỹ “Chú cho người khiêng kẹp về, nói với thằng con trai tui gài giùm cho. Chú tự ý gài, không khéo thì nguy hiểm lắm”. Ông Xã Kiên vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện chứ về tự mình gài. Không biết ông gài thế nào mà chỉ có móng chân cọp mắc kẹp. Lúc bị dính kẹp, không biết cọp giãy giụa thế nào để lưng bị kẹp cứng giữa hai vồng của luống khoai, giơ cả bốn chân lên trời, không thể trở mình lên được. Khi xác định cọp đã mắc kẹp, ông Xã Kiên bèn cho người nhắn rằng “đem người lên mổ cọp”. Ông Chánh tổng nghĩ chắc cọp đã bị giết rồi, liền sai người gánh đồ lên chuẩn bị làm thịt cọp. Tới nơi, mới ngẫn người. Cọp vẫn còn sống. Nó rất dữ. Người ta đâm mác, nó quơ lấy, bẻ gãy hết. Cuối cùng, người ta phải chặt cây to, dài, cứ đứng từ xa mà đánh cho đến chết.
 Lần khác, lại có con cọp cũng lẻn vào bắt trâu ở Tiên An. Khi phát hiện, bà con lần theo dấu vết xem thử cọp ăn no rồi giấu phần thừa đi chỗ nào. Sau đó, chủ mất trâu nhờ ông Bùi Thược mượn kẹp để gài. Gài kẹp rồi, đợi ba, bốn ngày, ông Bùi Thược vào xem thử. Con cọp này nhỏ nhưng khôn. Bị mắc kẹp, cọp rúc vào bụi, nằm im. Khi thấy đám người lò dò đi vào, nó gầm một tiếng long trời lở đất rồi chồm lên, định vồ. Nhưng, vốn là con nhà võ, ông Bùi Thược giơ búa lên, giáng một cái thật mạnh, cọp chết tươi ngay tại chỗ. Thường thường, khi mượn kẹp bắt được cọp, dù to hay nhỏ, chủ kẹp được hưởng phần xương. Chủ có trâu, bò bị cọp bắt hưởng hết phần còn lại. Có thể nói, kẹp gài cọp của ông Chánh tổng Huỳnh Khiêm đã giúp bà con giết được hàng chục con cọp, trừ hoạ cho biết bao dân lành ở Tiên Phước hồi nửa đầu thế kỷ XX, khi cọp vẫn còn nhiều, gây ra nỗi khiếp sợ cho bà con.
                                      
                                                      Cọp mắc bẫy hồi xưa
  Nói về việc bẫy cọp, cũng vào thời bấy giờ, có một nhân vật nổi tiếng bẫy cọp giỏi nhất vùng Tiên Phước. Đó là ông Trần Kiên. Ông này người gốc làng Lộc Yên, nay thuộc xã Tiên Cảnh. Nhưng, ông không bẫy cọp ở Tiên Cảnh hay Tiên Phước mà ở… Trà My. Bấy giờ, Trà My được xem như là vùng rừng thiêng nước độc, vắng bóng người. Thị trấn Trà My xưa có một cái đồn do quân Pháp đóng. Xung quanh đồn chỉ lác đác vài chục nóc nhà. Xung quanh là núi, là rừng nổi tiếng có nhiều cọp dữ. Chuyện cọp bắt trâu bò và bắt cả người không phải là chuyện hiếm. Dân sợ đã đành mà ngay cả Tây cũng sợ. Tây có súng nhưng đi rừng, lội suối, biết cọp ở đâu mà đề phòng. Nhưng, dù có đề phòng đến đâu, cũng khó chu toàn. Cho nên, thời bấy giờ, người ta khuyến khích việc săn cọp, gài cọp, bẫy cọp… Thậm chí, cứ mỗi con cọp dân bẫy đều được bọn Pháp thưởng.
 Ông Trần Văn Hoè, 54 tuổi, con của ông Trần Kiên, kể “Hồi còn sống, cha tui thường nói rằng mỗi khi bắt được cọp, Tây thường đến xem và thưởng cho ông 10 đồng. Mà, 10 đồng bạc Đông Dương bấy giờ to lắm. Đó là chưa kể nó còn mua bộ da cọp thêm 10 đồng nữa. Tất cả là 20 đồng. Riêng da và xương cọp thì mình hưởng, nghĩa là toàn quyền sử dụng, muốn bán cho ai thì bán”. Được biết, ông Trần Kiên xuất thân trong gia đình khá giả. Sinh thời, ông chủ yếu đi săn heo, bẫy cọp làm thú vui nhàn nhã. Để bẫy cọp, ông lên Trà Dương, Trà My làm “chùa”. Ông đào hai rãnh sâu khoảng 0,5 mét để chôn tre gốc. Phía trên, ông cũng dùng tre để gác ngang qua rồi dùng đã tảng chặn cho thật chặt. Hai bên có hai khúc gỗ. Chính giữa, nơi đặt chó mồi, ông cũng dùng tre già ngăn hai bên. Cọp nghe chó sủa, mới mò vào, khi bước vào “chùa”, cọp sẽ làm tấm ván phía trên sụp xuống, Khi đó, cọp chỉ có nước chờ chết vì không thể thoát ra được. Cũng theo lời ông Trần Văn Hoè, ông Trần Kiên đã bẫy được tất cả… 24 con cọp thì… nghỉ luôn. “Hồi xưa, gần như có luật bất thành văn là bẫy được 12 con, gọi là đủ một hội, thì tổ chức hát bội một lần. Cha tui tổ chức cả thảy hai lần nên ông phải bẫy 24 con. Không chỉ cọp, dân đi săn hươu, nai hay heo rừng cũng thế. Nghĩa là săn được 12 con phải làm thịt một con heo cúng…”. Ông Trần Văn Hoè cho biết thêm. Có lẽ do thấy mình sát sinh quá nhiều nên đến con thứ 24, ông Trần Kiên… bỏ nghề.
Theo Phạm Hữu Đăng Đạt