www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Bảo hiểm y tế tự nguyện tại Tiên Phước: Đưa vào tiêu chí thi đua

 Hai năm gần đây, nhờ có nhiều kênh thông tin và tự nhận thức được lợi ích thiết thực của việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nên người dân ở huyện Tiên Phước đã mua BHYT để chăm sóc sức khỏe của chính mình và người thân…

         Nhiều kênh tiếp cận

       Khi còn làm công nhân may, chị Nguyễn Thị Thương (thôn 6, xã Tiên An, huyện Tiên Phước) được công ty hỗ trợ BHYT. Lấy chồng và ổn định cuộc sống ở quê nhà, ban đầu chồng chị khuyên nên ngừng mua BHYT vì nghĩ “lúc công ty hỗ trợ BHYT mà có dùng đến đâu, giờ mua làm gì cho tốn tiền. Bị bệnh ra tiệm mua thuốc cho nhanh”. Tuy nhiên, nghĩ tới nghĩ lui, chị vẫn quyết định mua cho cả hai vợ chồng để phòng lúc rủi ro ốm đau bất ngờ. Không may, trong năm, chồng bị tai nạn xe máy nhưng nhờ có BHYT nên chi phí chữa trị giảm đi rất nhiều. “Sau đợt tai nạn, bây giờ chồng em đã thay đổi suy nghĩ, nói năm nào cũng phải mua cho các thành viên trong gia đình” - chị Thương chia sẻ.

        Trường hợp như chị Thương không phải là số ít, hiếm hoi trong hàng nghìn người ở huyện Tiên Phước đã từng có suy nghĩ khác về việc mua BHYT tự nguyện. Theo ông Nguyễn Văn Thạo - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Tiên Phước, nhờ có chương trình vận động và phối hợp với các hội đoàn thể nên từ 4.449 người tham gia BHYT năm 2012, đến năm 2013 đã có 6.710 người tham gia mặc dù số tiền đóng BHYT từ 567.000 đồng/người/năm lên 621.000 đồng/người/năm.

 

Người dân ở Tiên Phước đã thấy được lợi ích của việc mua bảo hiểm y tế.
Người dân ở Tiên Phước đã thấy được lợi ích của việc mua bảo hiểm y tế.

 

        Để có được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ngoài những nỗ lực của riêng, BHXH huyện mà còn nhận được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện. “Từ năm 2013, BHXH huyện tham mưu cho Huyện ủy ban hành chương trình thực hiện Nghị quyết số 21 - NQ/TW ngày 22.11.2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020. Đồng thời UBND huyện cũng ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện.

      Nhờ sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên việc triển khai BHYT gặp thuận lợi và nhanh chóng. “Theo tôi được biết, cho đến nay, Tiên Phước là một trong số ít các huyện đưa việc tham gia BHYT vào chỉ tiêu thi đua giữa các xã trên địa bàn huyện” - ông Dương Văn Hùng, Giám đốc BHXH huyện, cho biết. Điều đáng nói, BHXH Tiên Phước còn ký nhiều quy chế phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, Phòng Tài chính - kế hoạch, Liên đoàn Lao động, Công an… nhằm phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT hay quản lý đối tượng tham gia BHYT... Được biết, BHXH huyện thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp xuống tận thôn, xóm để không chỉ phổ biến lợi ích khi tham gia BHYT mà là cơ hội để giải đáp cặn kẽ những thắc mắc của nhân dân. Đến nay, đã tổ chức đối thoại với nhân dân tại Tiên Lãnh, Tiên Sơn, Tiên Mỹ, Tiên Lập, Tiên Thọ, Tiên Cảnh.

            Lợi ích thiết thân

        Một trong những lý do khiến số lượng người tham gia BHYT tự nguyện tăng chính là nhờ chính sách hỗ trợ BHYT cho hộ cận nghèo. Ông Phan Văn Doan (Trưởng thôn 6, xã Tiên An) cho rằng: “Các thành viên của hộ cận nghèo trong thời gian qua được hỗ trợ tham gia BHYT, hưởng những lợi ích nhất định từ BHYT nên đã có những suy nghĩ và nhận thức tích cực. Nhờ đó, sau khi thoát nghèo, dù không được hỗ trợ nhưng vẫn tiếp tục mua BHYT”.

       Thêm nữa, người dân được nhìn thấy lợi ích thiết thực từ một số người bị tai nạn giao thông hay đau ốm nặng, nếu không có thẻ BHYT đã phải chi ra một khoản tiền không nhỏ để chữa trị. Nhờ BHYT, họ đã giảm đi một khoản tiền đáng kể khi gặp nạn. “Trong khi giá cả của các dịch vụ, thuốc men ngày càng tăng nhưng nhiều trường hợp đau ốm, tai nạn chỉ mất một khoản tiền nhỏ so với chi phí điều trị. Tại Trung tâm Y tế huyện hay đến nhiều cơ sở khám chữa bệnh khác, bệnh nhân điều trị bằng BHYT cũng được chăm sóc, phục vụ như những người bệnh bằng tiền mặt. Theo tôi, nhờ những ví dụ điển hình ấy được bà con truyền tai nhau đã tạo nên một kênh tuyên truyền BHYT miễn phí nhưng hiệu quả không kém”, ông Nguyễn Văn Hường - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, nói.   

        Được biết, năm 2013, Trung tâm Y tế huyện đề nghị BHXH huyện thanh toán cho tổng số 96.111 lượt người khám chữa bệnh với số tiền đề nghị hơn 8,2 tỷ đồng. Trong công tác giám định, Trung tâm Y tế huyện cũng đã áp dụng phần mềm thống kê nên rút ngắn thời gian tổng hợp nhanh, tạo thuận lợi cho bệnh nhân dùng BHYT. Tuy nhiên, mong muốn của lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện hiện nay là công tác chi trả BHYT cần nhanh chóng hơn nữa nhằm phù hợp với lượng thăm, khám chữa bệnh ngày càng tăng tại trung tâm.

        Ngoài ra, một vướng mắc không kém phần quan trọng để việc mua BHYT tự nguyện mở rộng chính là giá cả của mỗi chiếc thẻ. “Tại thôn của chúng tôi, vẫn có nhiều trường hợp ngưng mua BHYT trong năm nay. Bởi họ cho rằng, chi phí tham gia tăng quá cao, từ 567.000 đồng/người lên 621.000 đồng/người. Nhà có 4 người, số tiền đóng BHYT lên đến gần 2,5 triệu đồng. Bỏ chừng đó tiền ra cùng một lúc khiến nhiều người chùn tay, ngừng mua BHYT dù biết lợi ích thiết thực liên quan đến sức khỏe và kinh tế khi cầm được chiếc thẻ trên tay” - ông Phan Văn Doan nói.

                                                       Chiêu Thục Anh - Báo Quảng Nam