www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ai cũng cần có một gia đình !

 Bộ VH-TT&DL đã đưa ra thông điệp truyền thông nhân ngày Gia đình Việt Nam năm 2012 “Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”. Thông điệp lần nữa khẳng định, dù ở đâu, thời đại nào, gia đình vẫn là bến đỗ bình yên của mỗi người.

 

Lấy xưa, nhắc nay

Ngày xưa những gia đình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” - ba hay bốn thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà - là thể hiện điển hình của những gia đình có phúc đức, nền nếp gia giáo. Ngày nay, do sự phát triển về nhiều mặt, quan niệm về gia đình có thể khác trước. Nhưng dù phát triển tới đâu, con người sinh ra ai cũng cần có một gia đình. “Gia đình là môi trường sống đầu tiên và quan trọng nhất của mỗi con người, tiếp đó mới đến xã hội. Ngay khi con người hòa nhập vào cuộc sống xã hội để mưu sinh, để khẳng định mình, làm “ông nọ bà kia”, đi khắp năm châu bốn biển thì gia đình vẫn là môi trường không thể thiếu. Trước mọi sóng gió cuộc đời, gia đình vẫn luôn luôn là bến đỗ yên bình nhất, là “tổ ấm” hạnh phúc nhất, là nơi chia sẻ mọi vui buồn, sự thành đạt cũng như nỗi bất hạnh” - ông Tôn Thạnh Hiệp (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) chia sẻ suy nghĩ.

                                      Một buổi sinh hoạt dã ngoại của gia đình họ Tôn (Tiên Phước)

Có lẽ, quan niệm về gia đình của ba mẹ ông Hiệp được “quán triệt” với tất cả thành viên trong gia đình họ Tôn này, nên nhiều thế hệ con cháu, dù đã đi khắp năm châu vẫn luôn cập nhật thông tin, giữ mối dây liên hệ chặt chẽ về nhau. Mỗi khi thành viên trong gia đình họ Tôn có việc hay gặp khó khăn, các thành viên dù ở đâu cũng tụ về cùng nhau chia sẻ.

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 45/2001-QĐTTg lấy ngày 28.6 hằng năm làm ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức và xã hội về “xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.

Lại nói về ngày xưa (để nói ngày nay), ông cha ta đưa ra rất nhiều quy chuẩn để tạo dựng một gia đình, nào là “gia giáo”, “gia huấn”, “gia lễ”, “gia pháp”… Tất cả cũng chỉ nhằm hướng đến giáo dục con cháu về đạo đức, đường ăn nết ở, đi đứng nói năng, điệu bộ, cách ăn mặc… để duy trì sự thống nhất chung trong gia đình, chuẩn bị cho con cháu những kỹ năng cần thiết để trở thành người hữu ích khi bước vào môi trường lớn hơn, hòa nhập xã hội. “Ngày nay, cuộc sống xã hội có nhiều đổi thay với tốc độ nhanh chóng, con người không còn thời gian để chuẩn bị những kỹ năng - như ông bà ngày xưa chuẩn bị cho con cháu, lại phải đối mặt với nhiều cạm bẫy của xã hội nên khái niệm về gia đình, mô hình về gia đình cũng đã đổi thay đi rất nhiều” - anh Lê Quang Nhật, một doanh nhân quê Quảng Nam sống tại TP.Hồ Chí Minh, nhận xét. Cũng do sự đổi thay ấy nên trong nhiều gia đình, từ thành phố đến miền quê, có lúc đồng tiền chiếm vị trí tối thượng, thay thế các giá trị văn hóa, tinh thần, đạo đức. Và dưới những mái nhà ấy, gia đình không còn giữ vai trò, ý nghĩa của mình. 

Gia đình mới

Trong quá trình tìm hiểu các hiện tượng ly hôn gia tăng ở các gia đình trẻ, thanh thiếu niên sa vào các tệ nạn xã hội, chúng tôi nhận thấy hầu hết các đối tượng này đều xuất phát từ những gia đình có mối liên hệ lỏng lẻo, nhiều giá trị truyền thống, văn hóa tinh thần không được coi trọng, đồng tiền chiếm lĩnh vị trí quan trọng nhất. Do đặc thù công việc thường tiếp xúc với nhiều đối tượng trẻ em vi phạm pháp luật, ông Đinh Tấn Long - Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP.Tam Kỳ nói: “Hầu hết ba mẹ các em thường không quản lý, giáo dục con cái chặt chẽ. Đến khi có giấy triệu tập của tòa án mới “té ngửa” về chính đứa con của mình”. Trong khi đó, những nhân vật, gương điển hình có thành tích học tập tốt mà chúng tôi gặp, tiếp xúc đều có điểm chung là những gia đình gia giáo, cha mẹ luôn là bạn đồng hành với con cái trong sinh hoạt, học tập. Tất cả điều này cho thấy, dù ở thời đại nào, các giá trị văn hóa vẫn luôn là “sợi chỉ đỏ” dẫn đường cho các thế hệ sau tiếp bước.

                      Bữa cơm gia đình tại ngày hội gia đình 2012 ở huyện Tiên Phước

Khi xã hội có nhiều thay đổi, đòi hỏi người làm cha mẹ cần có những kỹ năng giáo dục, chăm sóc con cái, hay nói cách khác là cần có cách thức và đạo lý làm cha mẹ thích ứng với cuộc sống đầy cám dỗ và cạm bẫy. “Thời đại ngày nay, cha mẹ cần tạo điều kiện để chúng phát triển toàn diện không phải bằng cách ép buộc hay bất cứ hình thức nào gây ức chế tâm lý con trẻ. Mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau, thói quen khác nhau, cách sinh hoạt khác nhau. Song, khi cha mẹ giữ vai trò là người đặt ra các nguyên tắc giáo dục, hãy chọn cách giáo dục phù hợp để không chỉ uốn nắn chúng theo ý mà còn tạo ra nền móng để con phát triển toàn diện và trưởng thành. Từ đó, giá trị về gia đình sẽ được truyền tiếp muôn đời” - anh Lê Quang Nhật chia sẻ suy nghĩ.

Phan Hạo Nhiên - Báo Quảng Nam