www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đói lòng ăn trái lòn bon...

 Ai đã từng thăm Đại Nội - Huế chắc không thể bỏ qua việc quan sát Cửu Đỉnh đặt trước Thế Miếu. Sinh thời, vua Minh Mạng đã cho chạm nhiều cảnh vật và thổ sản ở Quảng Nam vào các đỉnh. Riêng trên Nhân Đỉnh, nhà vua cho chạm loại trái cây rừng ở Quảng Nam, đó là trái lòn bon. Tương truyền, lúc công tử Nguyễn Phúc Ánh chạy theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Quảng Nam, không may bị quân Tây Sơn phát hiện, phải trốn lên thượng nguồn Ô Gia. Nhiều ngày lẩn trốn, lương thực cạn, may thay giữa lúc đó gặp ở rừng có loại trái cây rất ngon ngọt, làm dịu cơn khát và đỡ đói. Nhờ vậy mà Nguyễn Phúc Ánh thoát chết để chạy tiếp vào miền Nam thực hiện ý chí "tẩu quốc”, rồi "phục quốc”.

Sau này, khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long, Nguyễn Phúc Ánh ban cho loại trái cây rừng đã từng cứu ông và quân sĩ là Nam Trân (trái quý ở phương Nam). Cũng từ truyền thuyết này, người ta còn cho rằng trên trái lòn bon còn in dấu móng tay của Nguyễn Phúc Ánh bấm vào lúc trái còn trên thân cây.

Lòn bon có tên khoa học là Baccaurea Sylvestric des Laurinées, là loại trái cây quý dùng để tiến vua trong các dịp lễ. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ (quyển 120) viết : "... vệ hạt Quảng Nam thường năm đến tháng 9 dự tính việc hái trái lòn bon chia làm hai kỳ (...) đúng ngày đến kinh nộp để dâng mừng giỗ ở Hưng miếu”. Theo đó, nhà Nguyễn đã đặt chức sắc địa phương gọi là Quản nam trân để canh giữ vườn cây trái thiên nhiên này và có quyền huy động dân binh ba xã Tân Đợi, Hội Khách, Hữu Trinh (thuộc địa bàn phía tây huyện Đại Lộc ngày nay) canh giữ vườn. Đến mùa, viên quản nam trân huy động dân binh hái những chùm trái lòn bon đầu mùa chừng mươi gánh để tiến vua và quan đầu tỉnh, gọi là "chạy trái kiểu” , và tiếp theo là ấn định ngày “xả trái”. Hồi đó, ngày xả trái thường tổ chức vào trung tuần tháng tám âm lịch được xem như ngày lễ hội tự phát. Bởi lẽ ngày này ai thích đi thì cứ việc, ai bận thì thôi, không màu mè lễ nghi như các lễ hội khác. Vào những ngày này, hàng trăm ghe thuyền từ Giao Thủy ngược lên thượng nguồn, hàng nghìn người theo dọc dòng sông Vu Gia về Hội Khách, Đồng Chàm từ chiều hôm trước để chuẩn bị cho ngày xả trái. Sáng sớm hôm sau, khi cúng thần núi xong, người giữ vườn đánh ba hồi thanh la báo hiệu bắt đầu ngày hội, mọi người tự do tản vào các vườn để “xả trái”. Hái được  bao nhiêu liền gánh ra bờ sông bán lại cho thương lái chờ sẵn và cũng không quên mang về một ít để cúng gia tiên, làm quà biếu cho bà con, hàng xóm, bạn bè... (số trái hái được, thường trích lại một phần để nộp thuế cho viên quản nam trân và lý hương các xã có dân binh canh giữ các vườn lòn bon, số trái này được xem như chi vào việc "chạy trái kiểu”, một phần trở thành quỹ chung cho hương lý và dân binh giữ vườn). Theo quan niệm xưa, đến với ngày xả trái là để vui, để cầu may là chính, ít người quan niệm buôn bán lời lỗ trong dịp này. Cũng trong thời gian này, đồng bào Cơtu ở bến Giằng và bến Hiên (nay là Nam Giang và Đông Giang ) cũng hái lòn bon bán lại cho các đầu nậu buôn nguồn và được gọi là mùa "đi trái ". Ngày nay, trái lòn bon không chỉ có riêng ở vùng thượng nguồn Đại Lộc mà còn có nhiều ở Tiên Phước nữa. Nếu lòn bon ở Đại Lộc có màu vàng sẫm thì lòn bon  Tiên Phước có màu vàng nhạt. Trái có nhiều múi nhỏ , vị ngọt thanh và mỗi nơi có hương khác nhau.

Không biết từ đâu, ai đã viết "loòng boong" hay "loòn boong" để chỉ loại trái cây ngon ngọt này (?). Thực ra, trong tiếng Việt không có vần "oong", “oon" và nguyên âm “oo"; ngữ điệu người Quảng Nam đọc rõ là "lòn bon” hay "bòn bon". Dẫu rằng loại trái này được vua đặt tên chữ là "Nam Trân”, nhưng những người dân Quảng Nam vẫn sử dụng tên gọi ruột rà quen thuộc; đồng bào Cơtu gọi là "tơ boon" (vì theo ngữ hệ Môn- Khơme). Còn ở Đại Lộc, đến mùa, người ta gọi gọn gàng : trái. Chỉ mỗi một âm "trái " đã hàm chứa đủ ý nghĩa của loại quả rất đặc trưng này rồi !

"Đói lòng ăn trái lòn bon" là câu ca quen thuộc ở quê tôi, và "lụt nguồn trôi trái lòn bon ..." là chính vụ của mùa "trái”, ấy là từ khoảng tháng 7 âm lịch đến trước mùa lụt hăm ba tháng mười. Xin mượn lời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, rằng “anh (sẽ) đưa em đi ăn trái lòn bon, ăn hoài mệt nghỉ ". Nhớ nhận lời mơ

Phan Thanh Minh - Báo Quảng Nam