www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Văn hóa Tiên Phước

Tiên Phước được đánh giá không chỉ là miền đất của những ngôi nhà cổ rêu phong, trầm mặc, những lối mòn ngõ đá, những thắng cảnh thiên nhiên đẹp đến nao lòng.  Tiên Phước còn là vùng đất có truyền thống văn hóa từ lâu đời.  Những trầm tích của nền văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện trên đôi bờ sông Tiên, sông Tranh đã phát họa sơ lược bức tranh thời tiền sử ở vùng Tiên Phước.  Là minh chứng cho sự tồn tại của những người cổ trên địa bàn Tiên Phước cách ngày nay khoảng 2000 – 2500 năm.  Dấu tích mà họ để lại là những mộ chum và đồ chôn theo đã được các nhà khảo cổ khai quật tại các di tích Gò Miếu, Gò Quảng  (Tiên Hà), thôn 4 - Tiên Mỹ và thôn 12 Tiên Lãnh.  Cùng với những cư dân vùng đồng bằng, họ đã để lại một nền văn hóa nổi tiếng - văn hóa Sa Huỳnh ở giai đoạn sơ kỳ đồ sắt. 

     Vùng đất Tiên Phước là nơi sinh sống của nhiều tộc người, trước kia có người Chăm, thị tộc Narikêlavamca cư trú phía Đông từ Quán Rầm (thôn 3 – Tiên Thọ) ngang qua Địch Tây đến Eo Gió (Tiên Cẩm), người Thượng thị tộc Keratas, trong đó có bộ tộc Dvach (Đá Vách) cư trú phía Tây Nam và bộ tộc PLịch cư trú phía Tây Bắc của huyện. Địa bàn Tiên Phước còn lưu lại những dấu tích của người Chăm, các địa danh như Núi Giàng, Núi Đồng Giàng ở Tiên Thọ, Gò Tháp ở Tiên Phong là những tên gọi của người Chăm. Những di tích thời cận đại như sơn phòng Dương Yên, Bàn An, Gò Nha ở Tiên Phong, Tiên Sơn, các địa danh lịch sử Suối Đá, Nà Lầu, Dốc Miếu, đình Phước An, đình Tây Lộc, chùa Tứ Ban. Các đạo giáo đều có mặt ở Tiên Phước kể cả đạo Nam Tôn.

 

                                              Một điệu múa quạt truyền thống ở Tiên Phước

 

Người Tiên Phước rất ưa thích thơ ca, hò vè, hát hò khoan, hạt bội ca ngợi tình người, tình lứa đôi, đức tính thủy chung, tình yêu quê hương đất nước. Hát bội Tiên Phước thuộc dòng tuồng Khánh Thọ, Tam Kỳ. Người dân Tiên Phước còn thích đi săn, vây hội. Vây hội là một hình thức trẩy hội đầu xuân rất độc đáo, có tinh thần thượng võ và tính cộng đồng cao. Vây hội là vây cọp, hoạt động này được tổ chức vào dịp Tết hàng năm, từ ngày 30 tháng Chạp đến mồng 5 hoặc mùng 7 thàng Giêng. Lễ vây hội tồn tại đến trước cách mạng tháng 8 năm 1945, sau đó thì bỏ hẳn.

 

        Tái hiện thỉnh sắc và rước sắc của Lễ hội Kỳ Yên huyện Tiên Phước

 

Và đồng thời mỗi khi Xuân về, người dân ở các miền quê Tiên Phước lại tưng bừng tổ chức nhiều lễ hội truyền thống. Lễ hội Kỳ Yên (hay Cầu an) là một trong những lễ hội được nhân dân tổ chức quy mô, long trọng nhất trong mỗi cộng đồng làng ngày đầu xuân, khi vụ mùa đã xong, thời tiết thuân lợi. Lễ hội được tổ chức ngay tại không gian Đình làng với tâm nguyện cầu “Phong điều vũ thuận” - mùa màng bội thu, “Quốc thái dân an” - làng xóm yên vui, dân giàu nước mạnh. Ngày Kỳ Yên cũng là ngày tế Tiền Hiền - Hậu Hiền, Tiền Bối - Hậu Bối. Lễ Kỳ Yên bắt nguồn từ nếp nghĩ quý trọng công lao của các bậc tiên tổ có công, biểu thị tư tưởng truyền thống uống nước nhớ nguồn, một hình thức tri ân các bậc tiền nhân có công khai sáng bồi đắp cho địa phương. 

 

                               Chùa Tế Nam làng Hữu Lâm thị trấn Tiên Kỳ

 

Những lâm thổ sản như: Quế, Tiêu của vùng Tiên Phước chính là những sản vật quí của Vương quốc Chămpa được dùng triều cống cho các Vua Trung Quốc, hay việc phát hiện ra những viên gạch Chăm còn để lại ở Tiên Thọ, sự có mặt của những cư dân thiểu số như người KOK ở vùng Tiên An, Tiên Lập... cho thấy sự có mặt rất sớm của người Chăm ở Tiên Phước.

 

             Trái Lòn bon ( Nam Trân) chạm nổi trên Nhân đỉnh ở Thế miếu, Kinh thành Huế

Hiện nay trên địa bàn Tiên Phước còn lưu giữ trên 60 ngôi nhà cổ thuần Việt hàng trăm năm tuổi, với những ngõ đá rêu phong thơ mộng, cảnh đẹp thiên nhiên hiền hòa… mà nổi bật là làng cổ Lộc Yên - xã Tiên Cảnh, làng Hội An xã Tiên Châu. 

Ngoài ra Tiên Phước còn có 36 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, trong đó 4 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia (Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam, Làng cổ Lộc Yên và Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc năm 1954)

Tiên Phước còn có nhiều danh thắng như sông Tiên, bãi đá Lò Thung, thác Vũng Dội, thác Ồ Ồ, Hang Dơi, thác Vực Vin, thác Cẩm Lãnh…   

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng - Di tích văn hóa cấp quốc gia

 Là di tích văn hoá cấp quốc gia thuộc xã Tiên Cảnh - huyện Tiên Phước, cách thị xã Tam Kỳ khoảng 35 km về phía tây. Đây là ngôi nhà cũ do thân sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng xây dựng từ năm 1869, theo lối kiến trúc rất phổ biến dưới thời nhà Nguyễn. Ngôi nhà gồm 3 gian, mái ngói, khung sườn gỗ với những đường nét chạm trổ tinh xảo.

    Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, quê làng Thạnh Bình - Tiên Phước, là một người thông minh học giỏi, một chí sĩ yêu nước. Sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Cụ đã được Hồ Chủ tịch mời ra tham gia với Chính phủ và có thời gian giữ chức quyền Chủ tịch nước. 
     Hiện nay di tích đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Tại đây có trưng bày một số di vật và tư liệu có liên quan về thân thế sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ.

Bản công nhận Di tích LS-VH nhà lưu niệm cụ Huỳnh của Bộ VH-TT-TT-DL

Lịch sử hình thành Tiên Phước

Giới thiệu Tiên Phước

Tính cách con người Tiên Phước

Di tích lịch sử Tiên Phước

Tài nguyên và thổ nhưỡng Tiên Phước

Danh nhân Tiên Phước